Chùa Linh Phong (Chùa Ông Núi) Bình Định
Huyền Tích Linh Thiêng Giữa Trời Nam
Bình Định – miền đất thấm đẫm dấu ấn Phật giáo với nhiều ngôi chùa cổ kính, linh thiêng. Trong số đó, Chùa Linh Phong (Chùa Ông Núi) là một di tích quan trọng, gắn liền với lịch sử Phật giáo và văn hóa của vùng đất này. Tuy nhiên, do thông tin sai lệch từ nhiều bài viết của các công ty, cả kể một số công ty lữ hành địa phương, không ít du khách đã nhầm lẫn Chùa Ông Núi với Thiền viện Thiên Hưng.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu đúng về Chùa Linh Phong, từ lịch sử, truyền thuyết đến sự khác biệt rõ ràng để phân biệt Chùa Linh Phong ( Chùa Ông Núi ) với Thiền viện Thiên Hưng.

Chùa Ông Núi – Ngôi Chùa Trên Đỉnh Núi Bà
Chùa Linh Phong tọa lạc trên đỉnh núi Bà, thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km. Để đến chùa, du khách phải vượt qua hàng trăm bậc thang, hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, nơi mây vờn quanh núi, gió rì rào tựa chốn bồng lai.
Thiền sư Lê Ban, đến từ Trung Quốc vào Việt Nam qua Cảng thị Nước Mặn, đến hang đá phía Đông Núi Bà ẩn tu vào khoảng 1702, sau nhà sư đến lưng chừng núi phát quang rừng núi, vác đá to xây chỗ này, lắp chỗ nọ lập một am nhỏ đầu tiên gọi là chùa Dũng Tuyền, thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725).
Lịch sử lâu đời
Tính đến nay chùa có lịch sử hơn 300 năm, vào năm Quý sửu 1733, chúa Nguyên Phúc Chú ban tên hiệu là Tịnh Giác Thiện Trì và cho xây cất lại chùa Dũng Tuyền thành ngôi chùa lớn lợp ngói đỏ, ban cho chùa tấm hoành trên có khắc bốn chữ Linh Phong Thiền Tự, phía trái khắc chữ Vĩnh Khánh, tháng giêng năm Quý sửu, phía phải có khắc chữ ” Quốc Chủ ngự đề “.
Trên hai tấm liễn có khắc câu đối như sau: Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ; Linh Phong ngưng thoại khí, Tường Vân biến địa ấm nhân gian.
Nghĩa là:
“Bờ biển gặp duyên may, mưa pháp khắp trời thấm nhuần đất Phật
Núi linh đọng khí tốt, mấy lành khắp chốn che chở người đời”
Năm Tân Dậu 1741, Ngài được chúa Nguyễn Phúc Khoát mời thiền sư đến Phú Xuân để giảng dạy Phật pháp, khi về ban áo cà sa có vòng ngọc và móc vàng để làm pháp phục.
Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì viên tịch tại chùa Linh Phong vào thời Tây Sơn (1778 – 1802).
Năm 1808 Vua Gia Long cho trùng tu chùa, nhưng mãi đến đời Minh Mạng chùa Linh Phong mới được sửa sang lớn, trở thành một trong những danh thắng Phật giáo quan trọng bậc nhất Bình Định.
Tương truyền một lần vua Minh Mạng bị bệnh nặng vừa chợp mắt mơ thấy một ông già mặc áo vỏ cây đứng đấu giường hầu quạt. đến sáng nhà vua khỏi bệnh. Vua đêm chuyện kể cho các quan được biết có lẽ đó là Linh Phong Thiền sư ở chùa Linh Phong xưa, vì vậy năm 1826 Minh Mạng cấp 120 lượng bạc để sửa sang trùng tu chùa.
Ngày nay, du khách đến đây không chỉ để chiêm bái mà còn để cảm nhận sự giao hòa giữa thiên nhiên và tâm linh, giữa quá khứ và hiện tại.
Huyền Tích Ông Núi – Vị Thiền Sư Mặc Áo Vỏ Cây
Chùa Ông Núi được dân gian gọi theo tên gọi thân mật với một vị thiền sư có công khai sơn nơi này – Thiền sư Lê Ban rời bỏ cuộc sống thế tục lên núi tu hành, sống trong hang đá, ăn rau rừng, mặc áo vỏ cây, chuyên tâm hành thiền và hái thuốc chữa bệnh cho dân.
Tương truyền, ban ngày ông ở trên núi đốn củi, bó thành bó lớn rồi gánh xuống chân núi đặt tại ngã ba đường rồi trở lên. Người dân quanh vùng đem gạo, muối đặt ở đó đổi lấy gánh củi về dùng. Hôm sau ông Núi hoặc đệ tử xuống núi lấy thực phẩm đưa lên núi để dùng.
Mỗi khi trong vùng có dịch bệnh, lại thấy một nhà sư đem thuốc xuống cứu chữa. Chữa xong rồi ông lên núi ngay, không nhận bất cứ một sự trả công nào. Nhà sư mặc áo quần làm bằng vỏ cây nên dân trong vùng tôn kính gọi là Mộc Y Sơn Ông.
Hiện nay trong hang Tổ, người dân trong vùng, cùng các đệ tử của sư đã lập bàn thờ, đặt tượng Mộc Y Sơn Ông, xem hang Tổ là chốn linh thiêng nhất của quần thể Linh Phong Thiền Tự ( Chùa Ông Núi ).
Dân làng gọi sư là Ông Núi, chùa của sư là chùa Ông Núi. Chúa Nguyễn quý mến vì tài y thuật chữa bệnh và đức độ của Ông Núi, muốn ông tiến cung nhưng sư ông đã từ chối, tiếp tục tu hành nơi non cao hẻo lánh.
Tương truyền Ông Núi có chữa khỏi bệnh cho Chúa Nguyễn. Khi viên tịch tại chùa, ngài để lại xá lợi, được nhân dân thờ phụng trong chùa Ông Núi tức chùa Linh Phong.
Về sau, Vua Gia Long sắc tứ chùa, trùng tu, biến nơi đây thành một ngôi quốc tự quan trọng của vùng đất Bình Định.

Lễ Hội Chùa Ông Núi – Một Nét Đặc Sắc Của Phật Giáo Bình Định
Hằng năm, vào ngày 24 – 25 tháng Giêng âm lịch, Chùa Linh Phong tổ chức lễ hội lớn thu hút hàng vạn người từ khắp nơi về chiêm bái, cầu nguyện. Đây là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính, tri ân vị thiền sư khai sơn và cầu mong bình an, may mắn cho năm mới và suốt năm bình an.
Trong lễ hội, bên cạnh các nghi lễ Phật giáo, còn có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như rước sắc phong, diễn xướng dân gian, tạo nên không khí linh thiêng và trang trọng.
Hãy Đến Chùa Ông Núi Để Cảm Nhận Sự Linh Thiêng Đích Thực
Chùa Linh Phong không chỉ là một danh thắng tâm linh, mà còn là một biểu tượng của Phật giáo Bình Định, nơi chứa đựng bao câu chuyện huyền bí và linh thiêng.

Nơi này Danh nhân Đào Tấn, hậu tổ của nghệ thuật tuồng, cái nôi ở Bình Định đã có thời gian bỏ quan về ẩn tích nơi đây, chốn non cao yên tĩnh để dùi mài kinh sử.
“Một cảnh khói hoa trời tự tại
Mười năm hồ hải giấc quy lai
Ðây học trò lành âu cũng Phật
Chùa tên Ông Núi ngỡ chốn Tiên…”. ( Đào Tấn )
Hãy một lần đặt chân đến đỉnh Núi Bà, ngước nhìn bầu trời xanh lồng lộng, lắng nghe gió núi thì thầm, chạm vào từng viên đá rêu phong nhuốm màu thời gian… để hiểu rằng, Chùa Ông Núi không chỉ là một ngôi chùa – mà còn là một phần hồn cốt của Bình Định.
Sự Nhầm Lẫn Giữa Chùa Ông Núi và Thiền viện Thiên Hưng.
Tượng Phật Thích Ca ngồi cao 69 m mà nhiều người lầm tưởng tượng của Chùa Ông Núi ( Chùa Linh Phong ) thực chất thuộc Thiền viện Thiên Hưng, không phải Chùa Linh Phong ( Chùa Ông Núi ).
Việc nhầm lẫn này xảy ra do nhiều người sao chép thông tin mà không tìm hiểu kỹ. Bài viết này giúp phân biệt rõ, tránh sự nhập nhằng khi giới thiệu về địa điểm du lịch tâm linh tại Bình Định.
Thiền viện Thiên Hưng mới xây cạnh Chùa Ông Núi, tọa lạc gần chân núi Bà không phải là chùa Linh Phong hay chùa Ông Núi ạ. Thiền viện Thiên Hưng cũng rất đẹp, được du khách yêu thích đến để check in và lễ Phật.
Chùa Thiên Hưng (nằm gần sân bay Phù Cát ) là ngôi chùa cổ được xây dựng tôn tạo mới bởi trụ trì Đại Đức Thích Đông Ngộ, nổi tiếng với kiến trúc đẹp, là nơi lưu giữ Ngọc Xá Lợi Phật Tổ Thích Mâu Ni Ca linh thiêng và quý giá. Hai địa danh này được khách du lịch yêu thích viếng thăm.
Nếu bạn là một người yêu du lịch và quan tâm đến văn hóa tâm linh, tìm hiểu Phật giáo Bình Định, hãy đảm bảo bạn đang tìm hiểu đúng thông tin!