Nội dung bài viết
Lễ hội là hoạt động tập thể, thường có liên quan đến tín ngưỡng – tôn giáo Con người xưa kia rất tin vào trời đất, thần linh. Các lễ hội cổ truyền phản ánh hiện tượng đó.
Tôn giáo, tín ngưỡng rất có ảnh hưởng tới lễ hội. Tuy vậy, trải qua thời gian, trong nhiều lễ hội, tính tôn giáo dần giảm bớt, chỉ còn mang nặng tính văn hóa.
Hãy cũng Golden Life Travel theo dõi lịch diễn ra các sự kiện – Lễ hội tại Quy Nhơn, Bình Định Trước – Trong – Sau Tết Nguyên Đán Quý Mão
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, ai ai cũng háo hứng đi du xuân. Hằng năm, cứ từ chiều mùng 4 tết nguyên đán người dân Bình Định và người dân các tỉnh thành khắp cả nước, đặc biệt người dân vùng Tây Nguyên lại nô nức về Bình Định tham dự Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Năm 2023, kỉ niệm 234 năm ngày chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa dự kiến tổ chức rất long trọng để tưởng nhớ công ơn của 3 anh em Nhà Tây Sơn, các tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn, đặc biệt Hoàng Đế Quang Trung – Nguyễn Huệ – Người anh hùng bách chiến bách thắng được ví với Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập đế quốc Mông Cổ, với Hoàng Đế Napoleon Bonaparte của đế quốc Pháp.
Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa mang rất nhiều ý nghĩa, ngoài tưởng nhớ công ơn Tây Sơn Tam Kiệt còn được xem là giữ gìn nét đẹp truyền thống để cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu, ghi nhớ về tổ tiên với những công lao to lớn, để hiểu và tự hào về quê hương đất nước của mình.
Lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa không chỉ thu hút du khách tại địa phương, trong nước, mà còn thu hút cả du khách nước ngoài bởi nét văn hóa độc đáo của miền Võ Bình Định huyền thoại.
Lội ngược dòng thời gian, vào năm 1788, bất mãn với triều đình thối nát lúc bấy giờ các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra khắp nơi. Vua Lê Chiêu Thống lúc bấy giờ cảm thấy quyền lực của mình đang bị đe dọa nên đã cho người sang cầu cứu Nhà Thanh. Nhờ sự cầu cứu của Vua nước Nam khiến cho âm mưu muốn xâm chiếm nước ta của Nhà Thanh thành hiện thực. Vua Càn Long đã cử Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị thống lĩnh 29 vạn quân, chia làm 4 mũi ồ ạt tiến thẳng tấn công vào kinh thành Thăng Long.
Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở rút quân về Tam Điệp chờ thời cơ. Khi vào đến kinh thành thì không hề gặp trở ngại gì quá lớn nên Tôn Sĩ Nghị đã tuyên bố ngạo mạn rằng mùng 6 Tết sẽ kéo toàn quân đánh thắng vào sào huyệt huyện Tây Sơn.
Ngày 22/12/1788 tức vào ngày 25/11 âm lịch năm đó. Sau khi nhận được tin báo về tình hình chiến sự. Người anh hùng Nguyễn Huệ đã xưng Vua, lấy tên hiệu Quang Trung, thống lĩnh toàn quân tiến thẳng ra Bắc để đánh trả quân Thanh xâm lược.
Chỉ trong đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 Tết Kỉ Dậu, nghĩa quân Tây Sơn bất ngờ tiến đánh đập tan đồn trại giặc Khương Thượng làm cho tướng Nhà Thanh Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ở Núi Ốc, Loa Sơn. Trận đánh thắng ấy đã mở đường để cả đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi thừa thắng xông lên tiến vào kinh thành Thăng Long.
Chương trình Lễ hội Đống Đa được diễn ra từ chiều mồng 4 Tết với nhiều nghi lễ cổ truyền đặc sắc được tổ chức tại Đài Kính Thiên và Điện thờ Tây Sơn. Lễ tế được tổ chức tôn nghiêm, cả khu vực rộng lớn, chiêng trống rền vang. Làm cho người dự lễ cảm thấy lòng mình được hòa nhập vào hồn thiên sông núi của Bình Định miền địa linh nhân kiệt.
Tại đây du khách về thăm cũng sẽ được chứng kiến những màn múa nhạc võ Tây Sơn hoành tráng, tái hiện lại trận đánh Ngọc Hồi – Đống Đa của Vua Quang Trung và đại quân Tây Sơn, tiêu diệt 29 vạn quân Thanh với tiếng binh khí, tiếng hò reo của quân sĩ, tiếng voi gầm, ngựa hí, súng nổ cùng tiếng trống rền vang.
Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa Tây Sơn tưởng nhớ về Tây Sơn Tam Kiệt. Người Bình Định nói riêng người dân Việt Nam nói chung vô cùng tôn kính, tự hào về cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, một cuộc khởi nghĩa nông dân đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã thành công, lập lên triều đại Tây Sơn có những chính sách rất tốt về quân sự, giáo dục, thương mại, …
Ngày nay du lịch Quy Nhơn, Bình Định trở thành điểm đến được yêu thích của người dân cả nước và du khách quốc tế. Tây Sơn Tam Kiệt cũng trở thành điểm đến đặc biệt, tín ngưỡng nhân gian của nhân dân dành cho những người anh hùng cho dù trong mọi hoàn cảnh vẫn rất nguyên vẹn. Cây me, giếng nước trong vườn nhà xưa của 3 anh em Tây Sơn vẫn thường xuyên được chiêm bái thành kính, tâm linh, một nguồn nước thiêng chảy xuyên suốt qua hơn 2 thế kỉ trong mạch ngầm dân tộc.
Bảo tàng quang Trung là bảo tàng quốc gia cấp đặc biệt, đẹp ở không gian rộng thoáng, xanh mát những hàng me, được bao thế hệ lãnh đạo Việt Nam trồng lưu niệm, là Bảo tàng bảo tàng danh nhân lớn nhất Việt nam, lưu giữ hơn 11 ngàn hiện vật có giá trị về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và Hoàng Đế Quang Trung.
Đến Bảo tàng Quang Trung, quý khách được xem bộ phim 3D phục dựng về các cuộc chiến oanh liệt của Tây Sơn hùng cường và dũng mãnh. Tự hào tinh thần thượng võ ý chí quật cường của người Bình Định nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.
Nếu có dịp ghé Quy Nhơn, bạn nhất định phải đến Tây Sơn Tam Kiệt. Đặc biệt tham dự lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa năm 2023 được dàn dựng công phu.
“Đầu xuân đón lộc cầu duyên
Trầu cau em gánh đi phiên Chợ Gò…
Chợ Gò là chợ hẹn hò
Trai thanh, gái lịch sang đò gặp nhau…”
Lễ hội Chợ Gò – Một trong 100 phiên chợ độc đáo nhất của Việt Nam.
Lễ Hội Chợ Gò tuy chỉ diễn ra vào buổi sáng ngày mùng 1 & mùng 2 Tết Nguyên Đán hàng năm, nhưng luôn sống trong niềm mong đợi của người dân huyện Tuy Phước và khách thập phương vào ngày đầu tiên của năm mới.
Như tục lệ, cứ đúng sáng tinh mơ mùng 1 và mùng 2 Tết âm lịch, người dân và du khách được dịp du xuân đầu năm về Chợ Gò, mua lá trầu, miếng cau, hạt muối, … hòa mình với không khí của lễ hội. Đây là một nét đẹp truyền thống và cũng minh chứng cho câu nói “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” lưu truyền trong nhân gian.
Người ta đi lễ hội Chợ Gò mục đích chính không phải là mua bán như thông thường. Mua bán ở đây chỉ là tượng trưng . Người Mua mang trong lòng ước nguyện ” Mua được may mắn “; Người bán mong “ Bán được rủi ro “ . Mua – Bán trong lễ hội Chợ Gò mang ý nghĩa: MUA MAY – BÁN RỦI, ai ai cũng được lợi lộc đầu xuân và vui vẻ. Vì vậy hàng hóa được bày bán trong phiên chợ Gò đầu xuân là những sản vật ngay trong vườn nhà như: Quả ổi, quả xoài, hạt muối, lá trầu, …
Nhắc đến Chợ Gò, người ta cũng chẳng biết mở từ bao giờ. Chỉ biết rằng vào thời Tây Sơn, Trường Úc là nơi đóng quân của Tây Sơn nhằm bảo vệ Cảng Thị Nại và Thành Hoàng Đế. Mỗi độ tết đến xuân về, để giúp cho quân lính nguôi đi nỗi nhớ gia đình, Vua Quang Trung ra lệnh tổ chức lễ hội Chợ Gò mùa xuân tại Trường Úc mang lại niềm vui cho quân lính.
Gia đình, vợ con người lính ở xa sẽ đến lễ hội gặp chồng cha mình. Cho dù cuộc gặp gỡ ngắn ngủ chỉ trong buổi sáng mùng 1 Tết nhưng binh sĩ và người nhà rất hân hoan chờ đợi thời gian lễ hội quý báu này.
Hằng năm, bắt đầu từ tờ mờ sáng ngày đầu của năm mới, người dân địa phương khắp nơi lại đổ về Chợ Gò. một trong những phiên chợ nổi tiếng nhất tại Việt Nam nhưng nơi đây không có những sản phẩm cao cấp, chủ chủ yếu là những sản phẩm địa phương do cư dân trong vùng có gì mang ra chợ cái nấy họ mua bán cái ý nghĩa của phiên chợ nhân văn này.
Nhiều du khách đến đây không chỉ thưởng thức đặc sản địa phương, mà còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: Múa lân, kéo co, đi cà kheo, đập niêu, nghe hát bài chòi, hát bội, xem diễn cờ người, đặc biệt là giao lưu các điệu võ cổ truyền của vùng đất võ Bình Định, để tưởng nhớ đến việc luyện binh dưới triều đại Tây Sơn.
Năm 2011, Lễ hội Chợ Gò đã được Trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam vinh danh là “100 ngôi chợ độc đáo nhất Việt Nam”
Hội Chợ Gò ngày Tết đã được duy trì từ hàng trăm năm qua, nó đã đi vào tiềm thức của người dân địa phương như một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc bản, đặc sắc riêng có của Bình Định – Miền đất võ huyền thoại.
Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn hay còn được gọi là Lễ hội Đô Thị Nước Mặn, thường được tổ chức trong 3 ngày từ ngày cuối cùng của tháng giêng đến ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch.
Khoảng 400 năm trước, khu vực thôn An Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã từng tồn tại một Cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất, từng có tên trong các hải đồ thương cảng thế giới. nếu bạn đến Bảo Tàng Hàng Hải Singapore, bạn sẽ thấy có tên Cảng Quy Nhơn trong Con đường Tơ Lụa thời bấy giờ – chính là Cảng Thị Nước Mặn.
Người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến di cư sang mở phố buôn bán. Lập Chùa Bà để thờ cúng. Lễ hội Nước Mặn ra đời, được tổ chức ở Chùa Bà Nước Mặn, vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn vinh, vừa thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt – Hoa.
Vào dịp lễ hội Chùa Bà Nước Mặn, người dân địa phương tự nguyện tham gia vào khâu chuẩn bị, mỗi người một việc. Họ thắp đèn lồng, chuẩn bị đồ ăn trong nhà để chào đón khách thập phương đến với lễ hội, xem đây như Tết thứ hai trong năm.
Chùa Bà Nước Mặn là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, theo truyền thuyết Thiên Hậu Thánh Mẫu là người có công cứu vớt thuyền bè mắc cạn trên biển. Tục thờ Thiên Hậu của người Hoa khi du nhập vào Đàng Trong tương đồng tục thờ Mẫu truyền thống của người Việt nên được dân tộc ta tiếp nhận.
Hiện nay, Lễ hội Chùa Bà Cảng Thị Nước Mặn được tổ chức phù hợp với công tác giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Trình tự nghi lễ được các nghệ nhân cũng như các bậc cao niên ở địa phương tiến hành theo tâm thức trao truyền.
Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ mang tính đặc trưng của vùng Cảng Thị Nước Mặn xưa như:
Lễ tế Thiên Hậu Thánh Mẫu, lễ tế Thần Hoàng làng, Lễ tế bà Thai sinh (bà mụ), hay lễ rước các biểu trưng ngư để tưởng nhớ công lao của ông cha ta đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất.
Ngoài phần Lễ hội Chùa Bà Cảng Thị Nước Mặn còn có nhiều trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, hát tuồng, đánh bài chòi cổ, biểu diễn võ thuật,… thu hút người dân và du khách thập phương về đây tham dự.
Trải qua hàng trăm năm, sự thay đổi của địa chính, Cảng Thị Nước Mặn đã trở thành một vùng quê yên tĩnh. Tuy vậy, Chùa Bà Nước Mặn vẫn là nơi sinh hoạt tôn giáo, tâm linh của người dân địa phương và du khách thập phương.
Người địa phương kể rằng Chùa Bà Nước Mặn rất linh thiêng với việc cầu tự, cầu duyên, mua bán địa chính. Nhiều người về đến khẩn cầu, khi đạt đến sở nguyện lại trở về đáp lễ, cúng tạ ơn.
Cảng Thị Nước Mặn giờ chỉ còn như một hoài niệm về một đô thị thương cảng đã từng là trung tâm thương mại, văn hóa một thời trên đất Bình Định địa linh nhân kiệt
Vốn là một vùng duyên hải Nam Trung bô, có đường bờ biển dài hơn 134 km, nhiều cộng đồng dân cư sống với biển tồn tại từ lâu đời, lễ hội cầu ngư tại Bình Định là nét đẹp văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo.
Lễ Hội Cầu Ngư phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, tín ngưỡng mang màu sắc huyền bí của ngư dân Bình Định, người sống cùng sóng nước.
Vốn cuộc sống bám biển, đối mặt với thiên tai, thay đổi thời tiết khôn lường, con người nhỏ bé, mong manh trước thiên nhiên, điều kiện sống, kế sinh nhai, công cụ bảo vệ còn thô sơ, chưa đầy đủ, luôn phải chống chọi với bão tố, người dân vùng biển đặt trọn đức tin, gửi gắn thân phận vào cõi thần linh.
Hằng năm, Lễ hội Cầu Ngư – tổ chức lễ cầu ngư cúng “ông Nam Hải” – cá voi để cầu xin cho trời yên bể lặng, tàu thuyền ra khơi vào lộng được nhiều tôm cá.
Mỗi năm, vào dịp mùa xuân, lễ hội cầu ngư thường được tổ chức ở lăng thờ cá voi. Đây là nơi cải táng hài cốt của cá voi chết trôi dạt vào bờ. (hay còn gọi cá ông)
Ở Quy Nhơn có lăng thờ ông Nam Hải thuộc phường Trần Phú được xây dựng để khói hương, thờ cúng thần biển.
Ở cửa biển Đề Gi, xã Mĩ Thành (huyện Phù Mĩ) cũng có lăng thờ lớn, tập trung gần 100 bộ xương cá voi bày trang trọng trong các quách để thờ cúng.
Lễ hội Cầu Ngư thường được tiến hành theo hai phần: Phần Lễ: Lễ nghinh (đưa linh), tức là rước hồn các “Đức ông” cùng những người chết sông chết biển về nơi yên nghỉ.
Phần Hội là phần khởi ca với nhiều hoạt động vui chơi như múa hát, đua thuyền, thi bơi… Các hoạt động ở phần này phản ánh những sinh hoạt, lao động của ngư dân trên trên sóng nước.
Điểm nhấn chính trong Lễ hội Cầu Ngư ở địa phương là phần phục vụ của Đội múa gươm và Đội Bả Trạo do chính ngư dân địa phương biểu diễn, góp phần tạo không khí rộn ràng, đầy sắc màu cho lễ hội, thu hút nhiều du khách, người dân địa phương đến tham dự.
Đan xen với phần nghi lễ là phần hội gồm các sinh hoạt dân gian truyền thống, đặc trưng của các ngư dân làm nghề biển. Có hình thức sinh hoạt văn hóa vừa thuộc lễ vừa thuộc hội như hát bả trạo, lại có những hình thức khác hoàn toàn thuộc về phần hội, chỉ mục đích giải trí, giải tỏa, tạo không khí vui vẻ, náo nức trong làng trước khi bước vào một vụ mùa mới như hò đối đáp trên thuyền, hô bài chòi, tổ chức hát bộ trong đêm, thi đua ghe, lắc thúng vào ban ngày, …
Từ việc tôn thờ một hiện tượng tự nhiên, một sinh vật có mối quan hệ gắn bó lâu đời với ngư dân trong cuộc sinh tồn đã trở thành một hình thức tín ngưỡng. Từ hình thức tín ngưỡng đã trở thành giá trị văn hóa phi vật thể, trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng của ngư dân làm nghề biển hàm chứa những giá trị nhân văn độc đáo của ngư dân Bình Định.
Gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông, Lễ hội Cầu Ngư là dịp để ngư dân thư giãn, tạo lập thế cân bằng trong đời sống tinh thần sau một năm đánh bắt vất vả, cực nhọc. Các sinh hoạt văn hóa trong lễ hội đã đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin vào vụ mùa đánh bắt mới.
Mặt khác, qua lễ hội Cầu Ngư cộng đồng ngư dân có dịp tri ân với thần linh, với thế hệ tiền nhân đi trước, những người có công trong việc phát triển nghề cá, đồng thời Lễ hội Cầu Ngư còn là dịp hội ngộ bằng hữu xóm làng, ngư dân sống gắn liền với nghi đi biển tại Bình Định
Làng nghề Rèn Tây Phương Danh có từ lâu đời tại quanh khu vực kinh Thành Đồ Bàn xưa, Nằm tại thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, cách Quy Nhơn khoảng 30 km. Làng nghề rèn có mặt ở Tây Phương Danh khoảng chừng trên 300 năm.
Thời bấy giờ nông nghiệp là ngành kinh tế chính, phát triển mạnh nên người dân khắp nơi rất cần các loại nông cụ phục vụ cho sản xuất. Vào Thời đó, ông Đào Giã Tượng chính là cụ tổ của làng nghề. Cụ Đào Giã Tượng đã mang nghề từ phương Bắc về truyền thụ lại cho người dân trong làng để tạo kế sinh nhai cho bà con xóm làng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Kể từ đó nghề rèn xuất hiện, phát triển, duy trì và vẫn còn phát triển trong hiện tại.
Để tưởng nhớ công ơn của người đã khai sinh ra nghề rèn trên miền đất kinh đô này, hằng năm, người dân làng Tây Phương Danh đã hợp lại cùng tổ chức một lễ hội được gọi ” Lễ hội Làng Rèn”.
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày kể từ ngày 12 đến ngày 14 tháng Hai âm lịch. Lễ hội này không chỉ là nơi quy tụ những hộ gia đình đang hành nghề trong làng mà còn là nơi những người đang hành nghề rèn trên toàn tỉnh Bình Định quy tụ về, cùng nhau giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.
Đúng 4 giờ sáng ngày 12 tháng 2 âm lịch, các vị bô lão trong làng nghề trang trọng trong những bộ lễ phục truyền thống, trước sự có mặt của hàng ngàn người dân trong làng nghề, tất cả đều trang nghiêm đứng trước bàn thờ Tổ và các bậc tiền bối khai sinh ra nghề, đồng thanh khấn nguyện cho quốc thái dân an, bày tỏ lòng biết ơn của những thế hệ sau, thế hệ được thừa hưởng nghề đối với tiền nhân, cùng cầu xin cho sự phồn vinh luôn ưu ái với nghề rèn.
Sau đó, cả một vùng nông thôn tưng bừng hẳn lên trong suốt 3 ngày đêm với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi như: Hát bộ truyền thống, các trò chơi dân gian như kéo co, đập ấm, các chương trình văn nghệ quần chúng địa phương vô cùng sôi nổi xả giàn.
Về làng nghề Tây Phương Danh trong những ngày diễn ra lễ hội, du khách sẽ được nhìn thấy một vùng quê rạng rỡ với những con đường làng được dọn dẹp phong quang, mọi căn nhà đều trang hoàng tinh tươm, nam thanh nữ tú với những bộ trang phục đẹp rộn ràng khắp các nẻo đường đi trẩy hội. Đặc biệt, nhà nào cũng hương khói ấm áp tưởng nhớ cụ tổ của nghề rèn.
Làng Rèn Tây Phương Danh hiện vẫn là làng nghề sung túc của An Nhơn, Bình Định xưa và nay.
Bình Định còn rất nhiều hoạt động lễ hội khác. Trên đây Golden Life Travel chỉ xin giới thiệu 5 lễ hội tiêu biểu mà chúng tôi tâm đắc, cũng là những lễ hội Golden Life Travel muốn du khách tham gia.
Trong dịp đầu năm mới Quý mão, Bình Định có rất nhiều hoạt động lễ hội tưng bừng phục vụ người dân và du khách. Golden Life sẽ gửi link kèm theo thời gian, địa điểm tổ chức lễ hộ Xuân 2023 để các bạn tiện tham gia.