Nội dung bài viết
Chùa Nhạn Sơn là một tổ đình nơi có danh lam thắng tích, do Ngài Hòa thượng Chi Mẫn khai sáng. Nơi đây đã xuất hiện nhiều danh tăng thạc đức. Chùa Nhạn Sơn tục gọi là chùa Ông Đá, thuộc địa phận thôn Bắc Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn 23km về phía Tây Bắc. Ngôi chùa nằm dưới bóng một vườn xoài, nằm dưới chân đồi núi Long Cốt hay Gò Ba Tháp. Chùa Nhạn Sơn có giá trị lớn về lịch sử và nghệ thuật, là sự giao thoa giữa văn hoá Chăm bản địa và văn hoá Việt.
Bên trong chính điện chùa Nhạn Sơn đang thờ hai pho tượng cổ bằng đá, một ông sơn đen, một ông sơn đỏ. Vì thế, nhân dân địa phương thường gọi là chùa Ông Đen, Ông Đỏ hay chùa Ông Đá. Hai pho tượng cổ này có từ thời người Chiêm Thành (người Chăm), lúc đóng đô ở thành Đồ Bàn (thuộc xã Nhơn Hậu).
Lúc mới dựng lên, chùa có tên là Thạch tự công, nghĩa là chùa thờ Ông Đá. Thời gian sau, người dân biết câu chuyện lý giải về hai pho tượng đá này nên đổi tên chùa thành Song nghĩa tự, tức là chùa thờ hai anh em kết nghĩa. Đến thế kỷ XVI, hòa thượng Chí Mẫn đổi thành Nhạn Sơn Linh Tự cho đến đến ngày nay.
Tương truyền, hai pho tượng trong chùa là tượng của đôi bạn chí thân Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền, một người quê ở Thừa Thiên Huế, còn người kia quê ở Ninh Bình. Vị đỏ là con một nhà nho nghèo trên đường ra kinh đô Hà Nội đi thi. Ra đến Quảng Bình thì bị bệnh ngất xỉu dọc đường rồi được thân sinh của vị sơn đen là một đại điền chủ đem về chữa trị. Sau này, cả hai vị cùng đi thi, vị sơn đỏ đỗ quan Văn, vị sơn đen đỗ quan Võ. Cả hai đều là những bậc anh tài được vua nhà Trần trọng dụng.
Đang lúc loạn lạc, giặc Tàu đe dọa phương Bắc, quân Chiêm Thành uy hiếp phía Nam, vua Trần cử mỗi người cầm quân đi đánh dẹp một phương. Huỳnh Công Tuấn được cử đi đánh Chiêm Thành, nhưng chẳng may bị bắt làm tù binh rồi trở thành gia nô cho một viên đại thần trong triều đình Chiêm Thành. Tuy nhiên, nhờ có tài xem mạch, bốc thuốc, có lần Huỳnh Tấn Công đã chữa cho vua Chiêm Thành khỏi một căn bệnh hiểm nghèo. Từ đó, ông được sủng ái hết mực.
Sau khi dẹp xong giặc Bắc quay trở về, biết Huỳnh Tấn Công đang lưu lạc nơi đất Chiêm, Lý Xuân Điền quyết chí vào Nam tìm bạn. Đôi bạn thân này gặp được nhưng lại gặp lúc Xiêm La (Thái Lan ngày nay) đem quân xâm lấn biên giới nước Chiêm Thành, hai ông xin cầm quân đánh giặc. Dù đánh đuổi được giặc nhưng tướng Lý Xuân Điền lại bị Xiêm La bắt.
Thời gian sau, hoàng tử Xiêm La cầu hôn em gái ông Huỳnh Tấn Công nên ông yêu cầu dùng Lý Xuân Điền làm lễ vật cầu hôn. Hai người gặp lại nhau và cùng trở về nước Việt. Hai người ra về được ít lâu, vì thương nhớ, vua Chiêm Thành đã sai thợ tạc tượng hai ông để hàng ngày được ngắm nhìn cho thỏa cũng là để tỏa lòng cảm mến, biết ơn và lưu niệm hậu thế.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chiến tranh, hai pho tượng đá bị vùi lấp. Sau này, người Việt khai hoang cày cuốc phát hiện nên thờ phụng. Truyền rằng, ban đầu hai pho tượng có một nước sơn. Sau này, người ta sơn một ông màu đỏ, ông màu đen rồi thêm râu, đội mũ và mặc áo bào cho giống với người Việt.
Cả hai tượng đều mặc sampot, dải buông ra phía trước, đuôi vểnh chéo thành năm nếp vắt lên đùi trái, người ở trần, đeo chéo một con rắn đầu ló ra trước ngực, tóc búi cao xung quanh là những sợi dây buộc chéo, trâm cài phía sau, đầu đội mũ có rìu xéo. Cả hai pho tượng đều có miệng lớn, mũi bành rộng lưng gãy, ngực hơi ưỡn ra phía trước. Tuy nhiên, bây giờ y phục của hai pho tượng đều đã được Việt hóa, thay bằng áo đại bào, đầu đội mũ đằng cho giống với các tượng thần trong chùa Việt.
Câu chuyện về hai pho tượng trong chùa Nhạn Sơn này được cụ Bùi Văn Lang ghi chép trong sách Địa dư mông học tỉnh Bình Định (xuất bản năm 1933 và tái bản năm 1935). Ngày nay, nhân dân trong vùng cũng như du khách thập phương cứ rằm, mùng một, các dịp lễ, tết lại tìm đến chùa đi lễ để cầu xin đức Phật được mọi sự tốt lành, con cái đỗ đạt.
Năm 1977, các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà khảo cổ Hà Nội vào nghiên cứu hoa văn ở thắt lưng hai pho tượng, xác định hai pho tượng có vào thế kỷ XIII. Đến thế kỷ XVI mới lập chùa và được sắc tự thời Tự Đức thứ 17 và Bảo Đại thứ 18 với tên gọi là Nhạn Sơn Linh Tự. Năm 2011, ngôi chùa này được Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật; nơi lưu giữ hai tượng môn thần – tác phẩm điêu khắc Chăm thế kỉ XIII.
Quý khách đặt tour du lịch tại Quy Nhơn, gọi ngay 1900 599946 – Goldenlife Travel
Tour Quy Nhơn – city tour 1 ngày
Tour Kỳ Co – Hòn Khô – Eo Gió 1 ngày
Tour Bảo tàng Quang Trung – Hầm Hô
Tour Hòn Khô ( đón tại bến thuyền)
Tour Kỳ Co ( đón tại bến thuyền)
Tour Hòn Khô – Eo Gió – Trung Lương 1 ngày
Tour Kỳ Co – Eo Gió – Trung Lương 1 ngày