Doanh nghiệp lữ hành “ngủ đông” vì dịch Covid-19

Tháng năm 31, 2021

Chưa kịp hồi phục sau ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 từ năm 2020, diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ 4 tiếp tục giáng thêm một đòn khiến ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp lữ hành lao đao.

Du lịch nội địa mới đang trên đà phục hồi, các doanh nghiệp lữ hành chủ yếu triển khai các tour nội địa với mức giá ưu đãi và hầu như chưa có lợi nhuận. Các chi phí tồn đọng của 3 đợt dịch trước còn chưa giải quyết xong thì lại tiếp tục chịu ảnh hưởng và thiệt hại của đợt dịch lần thứ 4. Điều này đã khiến du lịch khó càng thêm khó.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel cho biết: Đợt dịch thứ 4 này diễn ra đúng vào đầu kỳ nghỉ hè là mùa cao điểm du lịch nội địa đã tác động rất lớn đến các công ty du lịch. Tại AZA Travel tất cả các tour trong tháng 5 của công ty với hơn 1000 khách đã tạm hoãn và huỷ. Bên cạnh đó, công ty thiệt hại rất nhiều vì đã đầu tư hàng trăm triệu đồng vào công tác marketing, quảng cáo và cả những chi phí để hỗ trợ cho du khách hoãn, huỷ tour. Đặc biệt, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì các tour khởi hành trong tháng 6, 7 cũng bị ảnh hưởng mà hiện tại thì các hãng hàng không, khách sạn cũng chưa có chính sách gì hỗ trợ lữ hành trong thời điểm sau 31/5.

Động Phong Nha, Quảng Bình

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Golden Life, dịch bệnh xuất hiện trở lại, hàng loạt các tour đặt trước bị hủy vào phút chót khiến công ty lao đao. Không những thất thu mà còn mất tất cả chi phí của doanh nghiệp để bán hàng và hoàn hủy. Mặc dù đối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng công ty vẫn cố gắng hỗ trợ, giúp khách hàng bằng mọi nguồn lực.

APT Travel cũng như nhiều doanh nghiệp khác đã phải cắt giảm hoạt động với công suất rất thấp, nguồn tài chính khó khăn, buộc phải cho lao động làm việc luân phiên, nghỉ không lương hoặc chấm dứt hợp đồng, có nhiều lao động thôi việc chuyển sang ngành nghề khác, nhất là lao động chất lượng cao.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Đài – Tổng Giám đốc APT Travel cho biết: “Dịch COVID-19 đã khiến cho hoạt động kinh doanh của công ty giảm mạnh. Rất nhiều yếu tố thiệt hại, nhưng lớn nhất là việc sụt giảm lượng khách thể hiện qua việc hủy các dịch vụ đặt trước và không có nhiều đơn đặt hàng mới”.

Thực tế cho thấy, qua 4 đợt dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch đang “kiệt sức”. Điều đáng nói ở đây là: du lịch là một trong những ngành bị tác động sớm và nặng nề, nhưng cho đến nay hầu hết các doanh nghiệp du lịch vẫn chưa nhận được gói hỗ trợ nào của Chính phủ nên họ cũng không quá kỳ vọng vào các gói vay mà chỉ mong muốn được vay lại nguồn ký quỹ của chính mình nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel nêu thực tế tại doanh nghiệp: hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn trong khi tiền bị tồn đọng do đặt cọc từ các hãng hàng không không được hoàn lại, rồi khoản ký quỹ 500 triệu/doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong khi khách thì cứ liên tục yêu cầu hoàn tiền do huỷ tour. Vì vậy ông Nguyễn Văn Tài kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hoặc cho phép doanh nghiệp dùng tiền ký quỹ như tài sản đảm bảo để vay tiền từ ngân hàng, nhằm có nguồn tiền duy trì hoạt động.

Du khách chèo thuyền Kayak trên vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới

Mặc dù dịch COVID-19 khiến cho du lịch bị trì trệ và nhiều doanh nghiệp lữ hành “lao đao” khi phải gánh chịu những tác động trực tiếp từ dịch bệnh, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành có thời gian kiện toàn bộ máy nhân sự, nâng cao chất lượng dịch vụ, tận dụng thách thức để đón đầu cơ hội, sẵn sàng cho hậu COVID-19.

Theo đó, giải pháp mà AZA Travel đưa ra chính là kiện toàn lại bộ máy nhân sự, nghiên cứu áp dụng chuyển đổi số và liên tục xây dựng những kịch bản phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Tức là khi có diễn biến dịch bệnh thì sẽ thu hẹp hoạt động và tạm thời “ngủ đông” nhưng ở trạng thái sẵn sàng kích hoạt, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt thì lập tức tăng tốc.

Còn theo bà Nguyễn Thị Huyền – Giám đốc điều hành Vietrantour, bên cạnh những con số thiệt hại nặng nề mà dịch COVID-19 gây ra, thì dịch bệnh cũng tạo ra cho các doanh nghiệp làm du lịch lữ hành động lực để tìm kiếm và xây dựng được nhiều sản phẩm mới phục vụ khách hàng. Hiện tại, toàn bộ cán bộ, nhân viên công ty vẫn làm việc với tinh thần tạo ra một nền tảng và chất lượng phục vụ tốt để sẵn sàng phục vụ khách du lịch sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Du khách ngắm cảnh tại Eo Gió, Quy Nhơn, Bình Định

Một mùa du lịch Hè nữa lại về, nhưng rồi dịch bệnh quái ác lại xuất hiện khiến cho các công ty lữ hành đứng ngồi không yên. Hiện tại, điều mong mỏi nhất của các doanh nghiệp du lịch chính là dịch bệnh được kiểm soát tốt để mọi hoạt động được trở lại bình thường.

THEO THANH HUYỀN/VOV2

Gọi ngay để được tư vấn
Hoặc gửi yêu cầu tư vấn

    Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn