ĐỨC THÁNH TRẦN HƯNG ĐẠO LÀ AI?
Đức Thánh Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, thuộc dòng dõi Hoàng thân Quốc thích Việt Nam, một chính khách, một Nhà chỉ huy quân sự đại tài. Trần Hưng Đạo hay Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã ba lần chỉ huy quân đội Đại Việt đánh tan Đế quốc Nguyên – Mông – Quân đội hùng mạnh nhất thời bấy giờ, vào cuối thế kỉ 13, và làm kẻ thù khiếp đảm, các nước khác nể phục.
Tượng Đức Thánh Trần Hưng Đào Sừng Sừng Trên Bán Đảo Phương Mai, Quy Nhơn
Bức tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo trên bán đảo Phương Mai hướng về thành phố Quy Nhơn. Từ Vịnh Quy Nhơn trông ra phía biển, chúng ta được chiêm ngưỡng bức tượng uy nghi của Đức Thánh Trần Hưng Đạo, vị Thánh canh gác sự bình yên, hạnh phúc cho đất và người dân Quy Nhơn – Bình Định.
Tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo tọa lạc bên bến cửa khẩu đồi Hải Minh thuộc Bán Đảo Phương Mai, thành phố Quy Nhơn, nơi giao duyên hữu tình: Đất – Biển – Trời, tượng đài Trần Hưng Đạo đứng sừng sững, “Trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Tượng Khởi công năm 1972, hoàn thành năm 1973, tác giả thiết lập đồ án, và điêu khắc tượng đài Trần Hưng Đạo là kiến trúc sư Đàm Quang Việt, với sự trợ giúp của ông Mai Trọng Truật – Giám đốc công trường. Kinh phí xây dựng do Hội Đức Thánh Trần Hưng Đạo tổ chức quyên góp.
Tượng Đức Thánh Trần – Trần Hưng Đạo toạ lạc trên đồi cao khoảng 40 mét so với mực nước biển tại Đồi Hải Minh, bán đảo Phương Mai của thành phố Quy Nhơn. Tượng cao 16 mét tính cả đài tượng.
Đức Thánh Trần tư thế đứng trên thuyền Rồng chỉ huy trận Bạch Đằng Giang, trang phục áo giáp, mũ sắt, chân trái đứng trụ, chân phải gác lên mạn thuyền, tay phải chỉ về phương Bắc, tay trái nắm chuôi kiếm đeo ở thắt lưng, trong tư thế chuẩn bị xung trận, khuôn mặt toát lên thần sắc của một vị tướng dũng mãnh, đầy quyền lực, quyết đoán.
Dưới tượng Đức Thánh Trần là 4 bức phù điêu khắc họa 4 mặt bệ tượng.
Bức phía Đông diễn tả tấm lòng người anh hùng biết bỏ qua mối hiềm khích trong dòng tộc, để tạo mối đoàn kết toàn dân tộc làm sức mạnh đánh dẹp quân thù.
Bức phía Tây là hình ảnh Hưng Đạo Đại Vương kiên quyết khuyên vua xông pha đánh giặc, chứ không buông kiếm đầu hàng trước mối họa xâm lăng.
Bức phía Nam là hình ảnh các bô lão tại hội nghị Diên Hồng, tay giơ cao hô vang hai chữ Sát Thát, đồng lòng cùng cả dân tộc quyết đuổi giặc ra khỏi bờ cõi.
Bức phía Bắc mô tả một trận thủy chiến với quân Nguyên – Mông, một cuộc chiến vang dội trong lịch sử với chiến công hiển hách của Đức Thánh Trần.
Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Quy Nhơn