12 Ngôi Cổ Tự Linh Thiêng Của Bình Định

Mục lục bài viết

Thập nhị cổ tự không thể bỏ qua khi hành hương tâm linh về Bình Định

Khi nói đến những miền đất Tâm Linh trên quê hương Việt Nam, đất Phật giáo xứ Đàng Trong, người ta nghĩ ngay đến Bình Định, vùng đất võ nổi tiếng, cũng là nơi Phật giáo sớm bén duyên và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt qua dấu chân hoằng hóa của Tổ sư Nguyên Thiều.

Dưới đây, Golden Life Travel xin trân trọng giới thiệu về 12 ngôi cổ tự tiêu biểu tại Bình Định, giúp quý vị hiểu rõ hơn về lịch sử và đặc điểm của 12 ngôi chùa cổ ( Thập nhị cổ tự ) danh tiếng và linh thiêng của Bình Định mà các Phật tử thuần thành trong nước và du khách hành hương không thể bỏ qua.

  1. Tổ đình Thập Tháp ( Chùa Nguyên Thiều )
  2. Tổ đình Long Khánh
  3. Chùa Long Phước
  4. Chùa Sơn Long ( Chùa Hang )
  5. Chùa Ông Núi ( Chùa Linh Phong )
  6. Tổ Đình Thiên Bình
  7. Tổ Đình Thiên Hòa
  8. Chùa Thiên Hưng
  9. Chùa Giác Phong
  10. Chùa Nhạn Sơn
  11. Chùa Minh Tịnh
  12. Tịnh Xá Ngọc Hòa
  13. Chùa Phước Sa
  14. Chùa Hương Mai
  15. Trường Trung cấp Phật học Nguyên Thiều

CÙNG GOLDEN LIFE TRAVEL TÌM HIỂU TỪNG NGÔI CỔ TỰ NÀY NHÉ

1. Tổ đình Thập Tháp ( Chùa Nguyên Thiều )

Chùa tựa lưng đồi Long Bích, phía Bắc của Thành Đồ Bàn, kinh đô của Vương Quốc Chăm pa xưa, mặt chính hướng về phía Đông, thuộc thôn Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Từ sân bay Phù Cát nếu đi theo quốc lộ 1 A hướng về thành phố Quy Nhơn, Quý khách sẽ bắt gặp chùa nằm cùng hướng tay phải trên đường, có tấm biển Chùa Thập Tháp đầu đường, từ chỗ tấm biển rẽ vào chùa chỉ khoảng trên dưới 200 mét nhưng hai khung cảnh, không gian đã hoàn toàn trái ngược nhau.

Tổ đình Thập Tháp tĩnh lặng, không khí thanh bình, trong lành đến lạ. Trước chùa là một ao sen hình vuông, khoảng 500 mét vuông, được xây bằng đá ong tảng lớn, người dân ở đây nói rằng họ chưa bao giờ thấy ao sen cạn nước, đây là đất Long mạch, cảnh quan xanh thẳm, đẹp nên thơ như một bức bích họa đơn sơ mà lộng lẫy.

Bình Định ” Đất lành chim đậu “,  miền đất tâm linh đã đón nhiều bước chân chư thiền tổ ghé bước Hoằng hóa. Tổ sư Nguyên Thiều đã đến đây tạo dựng Tổ Đình Thập Tháp, lúc đầu chỉ là một am nhỏ. Chùa được xây lên vào năm 1668 từ vật liệu là gạch đỏ từ phế tích của 10 ngôi tháp Chăm đổ xung quanh đồi Long Bích, nên có tên gọi Chùa Thập Tháp. Chùa còn có tên Chùa Nguyên Thiều là để ghi công ơn Tổ sư Nguyên Thiều người khai sơn. Vị Thiền sư là truyền thừa đời thứ 33 của phái Thiền Lâm Tế.

Chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho tấm biển ngạch ” Thập Tháp Di Đà Tự “.

Từ ngoài vào ta gặp cổng chùa cổ kính rêu phong, hai trụ cột vuông cao vút uy nghi thẳng đứng, có hai sư tự tọa trên đỉnh trụ, trên thân trụ là hai câu đối nổi bật, trên cổng có tên Thập Tháp bằng Hán tự

Sau cổng chính là tấm bình phong có hình đắp nổi Long Mã Phù Đồ.

Cổng chính và bức bình phong tại Tổ Đình Thập Tháp
Cổng chính và bức bình phong tại Tổ Đình Thập Tháp

Chùa Thập Tháp có kiến trúc hình chữ khẩu, gồm Chánh điện, Đông đường (giảng đường), Tây đường ( Nhà tổ ), và Khu Phương Trượng ( Nơi ở của Trụ Trì chùa hoặc phòng khách trong các thiền viện thiền Thiền Tông ). Chính điện được xây dựng theo phong cách nhà rường, gồm 3 gian và 2 chái, kết nối bởi 4 hàng cột cái, 4 hàng cột quân, 8 cột con, 16 cột hiên.

VƯỜN THÁP TỔ CHÙA THẬP THÁP

Có khoảng hơn 20 ngôi tháp trong vườn tháp Tổ cổ kính nhuốm màu thời gian. Vườn nằm phía Bắc Chánh điện, đây là nơi chôn cất nhục thân của các trụ trì và chư tôn túc, mỗi tháp đều có tường bao, có bình phong che chắn.

Nếu Quý khách ghé thăm chùa vào mùa xuân, khu vườn luôn nở rộ hoa đào, không gian nên thơ, bên cạnh dòng sông nhỏ có hào nước bao quanh như một bức tranh thủy mặc.

Ao Sen trước cổng chính của Chùa Thập Tháp
Ao Sen trước cổng chính của Chùa Thập Tháp

NHỮNG LƯU GIỮ ĐẶC BIỆT TẠI THẬP THÁP DI ĐÀ TỰ

  • Giếng vuông của người Chăm làm bằng đá ong, từ thời Vua Chế Mân
  • Hòn Đá Chém ( Hòn Đá Trắng ) dùng làm thớt kê để chém đầu thân thích Nhà Tây Sơn
  • Tháp Bạch Hổ,
  • Tháp Trắng – Câu chuyên oan tình
  • Tháp Hội Đồng: Nơi chôn cất cả lính Tây Sơn và lính Nhà Nguyễn ( Nguyễn Ánh )
  • 2.000 bản khắc gỗdùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú
  • 1.200 cuốn kinh Bộ Đại Tạng Kinh do Tổng trấn Hà Tiên Mặc Thiên Tứ cúng dường
  • Bộ Đại Tạng Kinh Cao Ly
  • Bộ Đại Tạng Kinh Đài Loan

Trải qua gần 350 năm với bể dâu, qua 16 đời truyền thừa, nhiều lần thay đổi trùng tu, tôn tạo chùa Thập Tháp vẫn giữ một màu xanh cây lá, giản dị, an bình. Nói đến Tổ Đình Thập Tháp, Phật tử và các vị chân tu thường nghĩ ngay đến các vị thiền sư danh tiếng, đức độ mang lại sự vẻ vang, rạng ngời cho miền đất thiêng Bình Định: Thiền sư Nguyên Thiều, Thiền sư Liễu Triệt, Thiền sư Minh Lý, Thiền sư Phước Huệ, …

Bức Hoành Thập Tháp Di Đà Tự
Chùa Thập Thấp – Sắc tứ Di Đà Tự – Bức Hoành phi Thập Tháp Di Đà Tự

Nhiều vị trụ trì Thập Tháp đã được mời ra kinh thành Phú Xuân để giảng dạy Phật Pháp, kinh thư cho Hoàng tộc, nên thường được kính trong như Quốc Sư

Cổng vào sân Bông và 4 khu của Chùa Thập Tháp – Ảnh Diễn đàn Doanh nghiệp[/caption]

2. Tổ đình Long khánh – Cổ tự trên 300 năm tuổi tại trung tâm thành phố Quy Nhơn

Tổ Đình Long Khánh tọa lạc ngay giữa lòng thành phố Quy Nhơn, số 141 Trần Cao Vân, nổi bật là tượng Đức Phật Di Đàphóng quang.

Phía tây Tổ Đình Long Khánh giáp Tĩnh Hội, Phía Nam có Tam quan dẫn vào chùa. Tam quan tọa theo hướng của chùa, giữa có cổ lầu, trong được tôn trí tượng bạch y Quán Thế Âm.

Chùa Long Khánh - Cổ Tự trên 300 năm tuổi
Chùa Long Khánh – Cổ Tự trên 300 năm tuổi

Chánh điện theo kiểu kiến trúc ” Tiền đường hậu tẩm”với hai nhà ngói nằm ngang, liền mái. Trước thềm là tiền đường, ngôi phía sau là hậu đường. Trên nóc mái tiền đường có hai rồng chầu chữ Vạn, dưới có ba cửa: Một cửa chính và hai cửa phụ bằng gỗ quý, trên diềm cửa là một tấm hoành gỗ khắc ba đại tự tên hiệu chùa, nội dung như sau:

Long Khánh Tự

Bên phải: Gia Khánh Quý Dậu cát đán lập.

Bên trái: Đệ tự Phan Tấn bái cúng ( Người Trung Quốc hiến cúng và gửi qua )

Bên dưới tấm hoành, trên hai mặt cửa chính có tấm liễn:

“Long Đức Tự tâm sinh, vạn loại hàm linh phổ thí hữu dư dũ;

Khánh ván tùy xứ kết, tam thiên thế giới ứng dụng vô bất chu “

Trên hai mặt trụ cửa phụ có câu liễn:

“Hư không sắc tướng, ninh trệ hữu vô, pháp uyển hoăng khai giác đạo;

Trí thủy nhân sơn, thùy vi động tĩnh, phổ môn đại trấn triều âm”.

Trên mặt hai trụ hè có hai câu liễn:

“Vọng phi vọng, chân phục thùy chân? Chuyển nhăn xuân thu tùy thệ thủy”

” Lai bất lai, khứ tùng hà khứ? Hồi đầu sinh tử đẳng không hoa”.

Hậu điện nối liền với tiền đường. Trên nóc cũng có hai tượng rồng chầu hình chữ A. Trong hậu điện, dưới 4 chữ Đại Hùng Bảo Điện có tôn trí tượng đồng đức Thế Tôn, hai bên có câu liễn:

” Long ân phổ bị, pháp thủy quân triêm, vô lượng thánh hiền hàm khể thủ,

Khánh hội hoằng khai, Thiền đăng biến chiếu, thập phương đàn tín cộng quy y”

Sau lưng bảo điện có giá chuông treo hai cổ vật là Thái Bình Hồng chung và Bảo Khánh bằng đồng cao 1,2 mét, đường kính 0,6 mét, nặng 150kg, thân chuông chia làm 4 ô.  2 ô trên khắc bài văn do Hòa Thượng Tích Thọ – Trinh Tường, trụ trì Tổ Đình Long Khánh – Người đứng thực hiện đúc chuông Thái Bình đã viết: Lâm Tế Chánh Tông, Tam Thập Bát Thế, thượng Kim hạ Ngân, chứng minh

Việt Nam quốc, Quy Nhơn phủ, Tuy Viện huyện, Thời Tú thuộc, Vĩnh Khánh thôn bổn đạo: Sùng tu Long Khánh tự, trụ trì Pháp danh Tịch Thọ, hiệp tứ hội bổn đạo thiện nam tín nữ chúng đẳng, đồng tâm chú đạo danh Thái Bình Chung, hoàn thành mãn nguyên. Phụng thượng.

Sau Chánh điện là một sân vuông khá rộng tới Tổ đường, một ngôi nhà tầng kiểu tiền đường hậu tẩm cổ lầu.

Chùa Long Khánh Con về
Chùa Long Khánh Con về

Tầng dưới là phòng họp, trai đường, quá đường; tầng trên thờ tượng Phật cổ, lịch đại Tổ Sư chùa Long Khánhvà hương linh bổn đạo chùa. Tổ đường có hai tấm hoành gỗ viết:

Bên trái: Y bát chân truyền

Bên phải: Tây phương trụ tiết

Hai bên trụ cửa treo hai câu liễn bằng gỗ:

“Phật sát hữu dư huy, hạ nhất tự Hoàng bao đồng sanh thái, Tăng môn vô biệt chúc, thông ngũ chân dân tộc kiến hòa bình”.

“Hoàng triều Bảo Đại thập lục niên Quý hạ.

Bình Định tỉnh chư sơn tự đồng chi phụng”

Trong nhà Tổ, khảm thờ Tổ được đặt ở gian giữa, trước khám có bàn kim đài. Trong khám tôn trí long vị chư Tổ và bài vị tự Tăng, hai bên khám có câu liễn:

” Bảo kính cao huyền, thiên thượng dao giác đồ,

Kim đài viễn chiếu, nhân gian cận kiến văn “

Phía trái sân vuông có Đông đườnglà dãy lầu một tầng làm hội trường và một tầng làm Tăng phòng. phía hữu sân vuông có Tây đường cũng là một dãy lầu; Một tàng thờ Giác Linh Hòa Thượng, một tầng là các phòng khách Tăng, tầng còn lại phía trước là phòng khách, các phong phía sau dành cho khách Tăng.

Sau nhà Tổ là dãy nhà Chúng, một tầng là dãy nhà ở cho chư Tăng bổn tự, nhà khách, nhà kho và các sinh hoạt khác.

Bảo tháp chư Tổ và tự Tăng Quy tụ thành ba nhóm, hai nhóm bên tượng Di Đà phóng quang và một nhóm bên trái nhà Tổ.

Chùa Long Khánh từ trên cao - ST Internet
Chùa Long Khánh từ trên cao – ST Internet

TỔ SƯ KHAI SÁNG TỔ ĐÌNH LONG KHÁNH năm 1709

Hòa Thượng Hải Khiển – Đức Sơn, đời thứ 35 dòng Thiền Lâm Tế. Ngài sinh năm Kỉ Mùi 1679, mất năm Tân Dậu 1741. Ngài đến từ Trung Quốc, sang Việt nam năm 30 tuổi, thời Hậu Lê đời Lê Dụ Tông,  đến thôn Vĩnh Khánh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn lập ra Long Khánh Tự. Di vật hiện còn lại là tấm khánh dùng để khai hiệu lệnh được đúc vào năm Kỉ Mùi 1739.

Theo tác giả Nguyễn Hiền Đức thì Tổ sư Đức Sơn sinh năm Ất Mùi 1655

Trải qua nhiều biến cố thời gian, chiến tranh, Tổ Đình Long Khánh đã nhiều lần trùng tu, không giữ kiến trúc hình hài nguyên sơ, tuy tọa lạc trong trung tâm nhưng Chùa Long Khánh mang vẻ uy nghi của ngôi cổ tự. Bước vào trong sân, một khung cảnh nghiêm trang u tịch trái ngược với tiếng ồn huyên náo phía ngoài.

Tài liệu biên soạn: Kỉ yếu Hội Thảo Khoa Học Phật Giáo và văn học Bình Định 

3. Tổ đình Long Phước – đệ nhất võ thuật Việt Nam tại Bình Định

Giới Thiệu Ngôi Chùa danh tiếng – Đệ Nhất Võ Thuật thường được ví như Thiếu Lâm Tự của Trung Hoa

Chùa Long Phước - Ngôi Chùa Võ Thuật
Chùa Long Phước – Ngôi Chùa đệ nhất Võ Thuật Việt Nam

Quý khách tham quan, viếng Phật tại Chánh Điện Chùa Long Phước, ngôi chùa võ thuật thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Chùa nổi danh ” Đệ nhất võ học “, nơi đang lưu giữ và phát triển Thập Bát Ban Binh Khí, đặc biệt là võ cổ truyền Tây Sơn, được sáng tạo bởi ba anh em Tây Sơn Tam Kiệt cùng các võ tướng thời Tây Sơn.

Chùa Long Phước Bình Định
Chùa Long Phước Bình Định. Gặp Gỡ Sư Ông Thích Hạnh Hòa, Sư Thầy Thích Vạn Nguyên và Câu Lạc Bộ Võ sinh Chùa Long Phước

Chùa Long Phước thường được ví như Thiếu Lâm Tự của Việt Nam.

Chùa Long Phước – Ngôi chùa võ thuật

Chùa Long Phước giữa những cánh đồng lúa xanh Tuy Phước

Buổi sáng: Quý khách di chuyển từ Quy Nhơn theo con đường quốc lộ 19 mở rộng khoảng 10 km, quý khách rẽ phải về hướng Tuy Phước, giữa những cánh đồng lúa ngào ngạt hương, chùa Long Phước ẩn hiện trong mùa xanh của lúa.

Đoàn khách chụp với viện chủ Hòa Thượng Thích Hạnh Hòa cùng võ sư võ sinh chùa Long Phước
Đoàn khách chụp với viện chủ Hòa Thượng Thích Hạnh Hòa cùng võ sư võ sinh chùa Long Phước

Ai về Bình Định mà coi; Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền

Quý khách vãn cảnh chùa. Tìm hiểu nguồn gốc của Long Phước Tự.

  • Chùa Long Phước có nguồn gốc xuất phát từ tổ đình Thập ThápThiền sư Nguyên Thiều sau khi lập nên Thập Tháp vào năm 1677. Thiền sư Nguyên Thiềuvà các vị thiền sư kế nghiệp đã tỏa đi khắp trong vùng lập ra nhiều ngôi chùa mới trong đó có chùa Long Phước.

Có thể nói võ đường chùa Long Phước có nguồn gốc võ thuật Thiếu Lâm từ xa xưa, gọi là phái Thiền Tông do Đức Bồ Đề Đạt Ma khai sáng. Trải qua nhiều đời. Đến đời thứ 6 do đức Lục Tổ Huệ Năng chia làm 5 phái, trong đó có phái Thiền Lâm Tế đã đến Việt Nam qua con đường hành đạo của các Thiền sư, tiêu biểu là Thiền sư Nguyên Thiều đã đến và dừng chân ở Bình Định.

  • Cho đến tận ngày nay chùa Long Phước vẫn là ngôi chùa võ thuật nổi tiếng khắp Việt Nam và thế giới. Cứ mỗi lần Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Bình Định các võ sư khắp thế giới tụ họp về Long Phước như Ngôi nhà võ thuật.
  • Năm 1986 viện chủ Thượng Tọa Thích Hạnh Hoà thành lập Câu Lạc Bộ Võ thuật chùa Long Phước nhằm giữ gìn và phát triển Thập bát Ban Binh Khí, lưu giữ võ cổ truyền Bình Định mà đỉnh cao là võ Tây Sơn.
  • Chùa luôn là lò luyện võ, đào tạo ra nhiều võ sư nổi tiếng trong giới võ thuật Việt Nam, vang danh thế giới,  làm nên rạng danh cho Bình Định như: Vạn Thanh, Văn Tính, Kim Huệ, Trần Di Linh, Nguyễn Văn Cảnh, ….
  • Thượng Tọa Thích Hạnh Hòa Đại Võ sư Quốc Tế, người luôn truyền bá, bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Bình Định, Chùa luôn là lò võ của con em địa phương và cho tất cả những ai muốn học võ cổ truyền Bình Định.

4. Chùa Sơn Long / Chùa Hang Bình Định

Chùa Sơn Long, thường được người dân địa phương gọi là Chùa Hang, tọa lạc tại thôn Thuận Nghi, tọa lạc tại thôn Thuận Nghi, Nhơn Bình, thuộc thành phố Quy Nhơn , tỉnh Bình Định, một miền đất tâm linh Phật Giáo có mặt từ rất sớm. Ngôi chùa này tựa lưng vào núi Hàm Long (còn gọi là núi Trường Úc), mặt hướng Đông Nam, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và yên bình, cái tên gắn bó với lịch sử hào hùng của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và Tây Sơn Tam Kiệt.

Chùa Sơn Long Quy Nhơn, Bình Đây
Chùa Sơn Long hay chùa Hang Quy Nhơn, Bình Định

Núi Hàm Long tuy không lớn lắm nhưng có thể dụng binh nên thời Tây Sơn thường đắp đồn để chống giặc tại nơi đây, cũng là nơi chứng nhân lịch sử cho nhiều của chiến giữa quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn ( Nguyễn Ánh )

Theo bản “Lược sử Chùa Sơn Long” lập vào tháng 4 năm 1996, không ai biết chính xác chùa được xây dựng vào năm nào. Tuy nhiên, dựa trên bài vị thờ Ngài Bửu Quang tại chùa, ghi rõ Ngài sinh năm Kỉ Mão 1639 và tịch năm Nhâm Dần 1722, có thể suy đoán rằng Ngài đến núi Trường Úc lập Giang Long thiền thất trong khoảng những năm 1680 – 1690, niên hiệu Chính Hòa nhà Lê

Núi Hàm Long, với độ cao khoảng 92 mét, có hình dáng giống đầu rồng với miệng há rộng, như đôi cánh tay ôm lấy Sơn Long Tự, tạo nên sự trang nghiêm và u tịch cho chốn thiền môn. Nơi đây từng là chứng nhân lịch sử cho nhiều trận chiến giữa quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn.

Hiện nay, trụ trì chùa là Thượng tọa Thích Đồng Đức, tự Thông Luận, đời pháp 43, đệ tử duy nhất của Thượng tọa Bình Chánh. Thượng tọa đã không ngừng củng cố tự viện, mở rộng cửa tiếp Tăng độ chúng, xây dựng tượng đài và chùa Một Cột, cải táng và xây tháp khai tổ, tháp Bổn Sư, làm cho Sơn Long Tổ đình ngày càng khởi sắc.

Chùa Sơn Long không chỉ là nơi tu hành mà còn là điểm tham quan, chiêm bái cho du khách, đặc biệt vào dịp đầu xuân. Với vị trí đắc địa và bề dày lịch sử, chùa mang đến cho du khách cảm giác thanh tịnh và sự kết nối sâu sắc với quá khứ hào hùng của vùng đất Bình Định.

“Mai chiều gió ngạt ngào hương

Ai hay rằng bãi chiến trường ngày xưa?”

Từ đó ta có thể dự đoán là: Tổ Bửu Quang đến núi Trường Úc lập Giang Long thiền thất  trong khoảng những năm 1680 – 1690. niên hiệu Chánh Hòa Nhà Lê, bấy giờ tuổi ngài vào khoảng 40-50. Tiếc là hiện nay không còn tài liệu nào khác ngoài bài vị đang thờ Ngài tại chùa. Cũng không ai biết rõ danh tính, sinh quán, thân thế, sự nghiệp của Ngài.

Chánh điện Chùa Sơn Long
Chánh điện Chùa Sơn Long

Đương kim trụ trì chùa Sơn Long là

Thiền sư Thích Đồng Đức, tự Thông Luận, đời pháp 43, đệ tử duy nhất của Thượng Tọa Bình Chánh, kế vị Sơn Long Tự năm 1985. Thầy Đồng Đức xuất gia từ năm lên 8 tại chùa Liên Tôn. 12 tuổi được Bổn sư là Hòa thượng Bình Chánh làm lễ thế độ tại Sơn Long tự.

Năm Kỉ Tị 1989 thọ đại Giới tại chùa Long Khánh, Quy Nhơn do Hòa Thượng Thích Giải An làm Đường Đầu. Lúc đó Hòa Thượng Thích Bình Chánh đã viên tịch nên Ngài cầu pháp với Hòa Thượng Bảo An, Trưởng môn phái của pháp tự Thông Luận.

Về thế học, Thượng Tọa đã qua chương trình Trung cấp. Về Phật học đã được sự giáo dưỡng của các Bổn Sư trong nhiều năm và đã tham gia khóa giảng sư tại Ấn Quang và Quy Nhơn.

CHÙA SƠN LONG, BÌNH ĐỊNH
Chùa Sơn Long

Thượng Tọa không ngừng củng cố tự viện và mở rộng cửa tiếp Tăng độ chúng, xây dựng tượng đàì và chùa một cột, cải táng và xây tháp khai tổ, tháp Bổn Sư, .v.v… Năng nổ hoạt động Phật sự không mệt mỏi khiến Sơn Long Tổ đình ngày càng khởi sắc, công đức vô lượng.

Chùa Sơn Long  là một ngôi chùa cổ nơi miền quê gắn với nhiều địa hình địa thế quân sự, gắn với lich sử vùng đất. Là một nơi du khách đến thăm quan và chiêm bái, nhất là dịp đầu xuân mới.

5. CHÙA ÔNG NÚI ( CHÙA LINH PHONG ) – LINH PHONG THIỀN TỰ

Huyền Tích Linh Thiêng Giữa Trời Nam

Bình Định – miền đất thấm đẫm dấu ấn Phật giáo với nhiều ngôi chùa cổ kính, linh thiêng. Trong số đó, Chùa Linh Phong (Chùa Ông Núi) là một di tích quan trọng, gắn liền với lịch sử Phật giáo và văn hóa của vùng đất này. Tuy nhiên, do thông tin sai lệch từ nhiều bài viết của các công ty, cả kể một số công ty lữ hành địa phương, không ít du khách đã nhầm lẫn Chùa Ông Núi với Thiền viện Thiên Hưng.

Bài viết này ngoài việc giới thiệu Chùa Linh Phong từ lịch sử, đến truyền thuyết còn phân biệt sự khác nhau rõ ràng giữa Linh Phong thiền tự ( Chùa Linh Phong ) với Thiền viện Thiên Hưng.

Toàn cảnh chùa Linh Phong Thiền Tự - chùa Ông Núi
Toàn cảnh Linh Phong Thiền Tự (chùa Ông Núi ) – Ảnh Internet

Chùa Ông Núi – Ngôi Chùa Trên Đỉnh Núi Bà

Chùa Linh Phong ( Chùa Ông Núi ) tọa lạc trên đỉnh núi Bà, thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km. Để đến chùa, du khách phải vượt qua hàng trăm bậc thang, hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, nơi mây vờn quanh núi, gió rì rào tựa chốn bồng lai.

Thiền sư Lê Ban, đến từ Trung Quốc vào Việt Nam qua Cảng thị Nước Mặn, đến hang đá phía Đông Núi Bà ẩn tu vào khoảng 1702, sau nhà sư đến lưng chừng núi phát quang rừng núi, vác đá to xây chỗ này, lắp chỗ nọ lập một am nhỏ đầu tiên gọi là chùa Dũng Tuyền, thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725).

Tính đến nay chùa có lịch sử hơn 300 năm, vào năm Quý sửu 1733, chúa Nguyên Phúc Chú ban tên hiệu là Tịnh Giác Thiện Trì và cho xây cất lại chùa Dũng Tuyền thành ngôi chùa lớn lợp ngói đỏ, ban cho chùa tấm hoành trên có khắc bốn chữ Linh Phong Thiền Tự, phía trái khắc chữ Vĩnh Khánh, tháng giêng năm Quý sửu, phía phải có khắc chữ ” Quốc Chủ ngự đề “.

Trên hai tấm liễn có khắc câu đối như sau: Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ; Linh Phong ngưng thoại khí, Tường Vân biến địa ấm nhân gian.

Nghĩa là:

“Bờ biển gặp duyên may, mưa pháp khắp trời thấm nhuần đất Phật

Núi linh đọng khí tốt, mấy lành khắp chốn che chở người đời”

Năm Tân Dậu 1741, Ngài được chúa Nguyễn Phúc Khoát mời thiền sư đến Phú Xuân để giảng dạy Phật pháp, khi về ban áo cà sa có vòng ngọc và móc vàng để làm pháp phục.

Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì viên tịch tại chùa Linh Phong vào thời Tây Sơn (1778 – 1802).

Năm 1808 Vua Gia Long cho trùng tu chùa, nhưng mãi đến đời Minh Mạng chùa Linh Phong mới được sửa sang lớn, trở thành một trong những danh thắng Phật giáo quan trọng bậc nhất Bình Định.

Tương truyền một lần vua Minh Mạng bị bệnh nặng vừa chợp mắt mơ thấy một ông già mặc áo vỏ cây đứng đấu giường hầu quạt. đến sáng nhà vua khỏi bệnh. Vua đêm chuyện kể cho các quan được biết có lẽ đó là Linh Phong Thiền sư ở chùa Linh Phong xưa, vì vậy năm 1826 Minh Mạng cấp 120 lượng bạc để sửa sang trùng tu chùa.

Ngày nay, du khách đến đây không chỉ để chiêm bái mà còn để cảm nhận sự giao hòa giữa thiên nhiên và tâm linh, giữa quá khứ và hiện tại.

Huyền Tích Ông Núi – Vị Thiền Sư Mặc Áo Vỏ Cây

Chùa Ông Núi được dân gian gọi theo tên gọi thân mật với một vị thiền sư có công khai sơn nơi này – Thiền sư Lê Ban rời bỏ cuộc sống thế tục lên núi tu hành, sống trong hang đá, ăn rau rừng, mặc áo vỏ cây, chuyên tâm hành thiền và hái thuốc chữa bệnh cho dân.

Tương truyền, ban ngày ông ở trên núi đốn củi, bó thành bó lớn rồi gánh xuống chân núi đặt tại ngã ba đường rồi trở lên. Người dân quanh vùng đem gạo, muối đặt ở đó đổi lấy gánh củi về dùng. Hôm sau ông Núi hoặc đệ tử xuống núi lấy thực phẩm đưa lên núi để dùng.

Mỗi khi trong vùng có dịch bệnh, lại thấy một nhà sư đem thuốc xuống cứu chữa. Chữa xong rồi ông lên núi ngay, không nhận bất cứ một sự trả công nào. Nhà sư mặc áo quần làm bằng vỏ cây nên dân trong vùng tôn kính gọi là Mộc Y Sơn Ông.

Hiện nay trong hang Tổ, người dân trong vùng, cùng các đệ tử của sư đã lập bàn thờ, đặt tượng Mộc Y Sơn Ông, xem hang Tổ là chốn linh thiêng nhất của quần thể Linh Phong Thiền Tự ( Chùa Ông Núi ).

Dân làng gọi sư là Ông Núi, chùa của sư là chùa Ông Núi. Chúa Nguyễn quý mến vì tài y thuật chữa bệnh và đức độ của Ông Núi, muốn ông tiến cung nhưng sư ông đã từ chối, tiếp tục tu hành nơi non cao hẻo lánh.

Tương truyền Ông Núi có chữa khỏi bệnh cho Chúa Nguyễn. Khi viên tịch tại chùa, ngài để lại xá lợi, được nhân dân thờ phụng trong chùa Ông Núi tức chùa Linh Phong.

Về sau, Vua Gia Long sắc tứ chùa, trùng tu, biến nơi đây thành một ngôi quốc tự quan trọng của vùng đất Bình Định.

Lễ Hội Chùa Ông Núi – Một Nét Đặc Sắc Của Phật Giáo Bình Định

Hằng năm, vào ngày 24 – 25 tháng Giêng âm lịch, Chùa Linh Phong tổ chức lễ hội lớn thu hút hàng vạn người từ khắp nơi về chiêm bái, cầu nguyện. Đây là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính, tri ân vị thiền sư khai sơn và cầu mong bình an, may mắn cho năm mới và suốt năm bình an.

Trong lễ hội, bên cạnh các nghi lễ Phật giáo, còn có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như rước sắc phong, diễn xướng dân gian, tạo nên không khí linh thiêng và trang trọng.

Hãy Đến Chùa Ông Núi Để Cảm Nhận Sự Linh Thiêng Đích Thực

Chùa Linh Phong không chỉ là một danh thắng tâm linh, mà còn là một biểu tượng của Phật giáo Bình Định, nơi chứa đựng bao câu chuyện huyền bí và linh thiêng.

Chùa Linh Phong còn goi Chùa Ông Núi

Nơi này Danh nhân Đào Tấn, hậu tổ của nghệ thuật tuồng, cái nôi ở Bình Định đã có thời gian bỏ quan về ẩn tích nơi đây, chốn non cao yên tĩnh để dùi mài kinh sử.

“Một cảnh khói hoa trời tự tại

Mười năm hồ hải giấc quy lai

Ðây học trò lành âu cũng Phật

Chùa tên Ông Núi ngỡ chốn Tiên…”. ( Đào Tấn )

Hãy một lần đặt chân đến đỉnh Núi Bà, ngước nhìn bầu trời xanh lồng lộng, lắng nghe gió núi thì thầm, chạm vào từng viên đá rêu phong nhuốm màu thời gian… để hiểu rằng, Chùa Ông Núi không chỉ là một ngôi chùa – mà còn là một phần hồn cốt của Bình Định.

6. Chùa Minh Tịnh

Chùa Minh Tịnh Tọa lạc tại số 35 đường Hàm Nghi, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Chùa được khai sơn bởi Hòa Thượng Thích Huệ Pháp vào năm 1917, đến nay đã trên một thế kỉ.

Năm 1963 chùa được xây lại, và chùa liên tục được trùng tu từ năm 1990 đến nay.

Chùa có lối kiến trúc tổng hợp từ nhiều nên văn hóa, có thể nói đây là sự hội tụ của Phật Pháp toàn cầu.

Chánh điện tuyệt đẹp, trang nghiêm, tinh tế với tượng Phật Thích Ca chính giữa, tượng Ngài Ca Diếp đứng bên phải Phật Thích Ca, và tượng Ngài Anan đứng bên trái Phật. Trước mặt có 07 tượng Phật Dược Sư. 

Đi chùa để viết bài rất may mắn được Thỉnh chuyện cùng Sư ông Thích Trí Giác

Ban thờ bên phải là tượng Bồ Tát Văn Thù và Ban thờ bên trái là tượng Bồ Tát Phổ Hiền. Đặc biệt, hàng ngàn tượng Phật được tôn trí trên tường và các trụ cột. Phía trước Chánh điện có hai tượng Hộ Pháp. Hai bên tường phía ngoài Chánh điện có các tượng Chư Thiên.

Tổ đường phía sau Chánh Điện là nơi thờ Chư Tổ và các vị hương linh.

Trước Tổ Đường có tượng Bồ Tát Chuẩn Đề. Trong khuôn viên chùa có tượng Phật A Di Đà, Tháp tổ sư phía bên phải và tượng Bồ Tát Quán Thế ÂmBồ Tát Di Lặc phía bên trái ( Nhìn ra ).

Có thể nói Chùa Minh Tịnhlà một trong nhưng ngôi cổ tự đẹp nhất Quy Nhơn, được liên Hiệp các hội UNESCO VIETNAM chứng nhận Bảo tồn di sản văn hóa tâm linh.

Chùa Minh Tịnh, kiến trúc đẹp

… Là một không gian kiến trúc tinh tế, cổ kính, trang nhã, nơi các nam thanh nữ tú chọn để đến đây chụp ảnh kỉ niệm, ảnh cưới, check in.

Ngoài ra, nếu bạn đủ phước báu, duyên lành bạn sẽ gặp được Viện trưởng, Hòa thượng Thích Trí Giác, sư ông đã ngoài 90 nhưng trông mạnh khỏe, tinh anh, phong thái phi phàm, trí tuệ của bậc đại trí.

Chùa MInh Tịnh là nơi bạn nhất định phải đến chiêm bái và vãn cảnh khi đến Quy Nhơn, Bình Định nhé

7. Tổ Đình Thiên Bình, Bình Định

Ba dòng pháp phái đến Bình Định là: Thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh và Thiền phái Liễu Quán.

Bước đầu tiên khởi sự bởi Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch ( 1648 – 1728 ), khai sơn Thập Tháp Di Đà Tự và Chùa Quốc Ấn ( Huế ), đặt nền móng cho một thời kỳ du nhập dòng Thiền Lâm Tế vào Việt Nam. Trong số hậu duệ của Ngài có thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo ( 1670 – 1746 ) cùng phái đoàn được chúa Nguyễn mời sang nước ta tổ chức Giới đàn vào năm 1695.

Xuôi về đất Hội An, Quảng Nam nắm bắt căn duyên và môi trường hoằng đạo tại đây thích hợp, thiền sư đã khai sơn Tổ đình Chúc Thánh và khởi xướng dòng truyền thừa mới thông qua bài kệ ” Minh Thật Pháp Toàn Chương… Kỳ Quốc Tộ Địa Trường”. Chưa đầy 100 năm sau, tại Bình Định, Tổ Đình Thiên Bình Được thành lập và trở thành cơ sở vững chắc cho việc mở mang phái Lâm Tế Chúc Thánh ở miền đất võ.

Tổ đình Thiên Bình trong thời kỳ nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh ” Nồi da xáo thịt” dân tình đói khổ lầm than không biết nương tựa vào đâu. Năm 1775 Nhà Trịnh chiếm kinh đô Phú Xuân, chúa Nguyễn chạy vào Nam. Rồi tiếp đến là cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Tây Sơn vào thập niên 70 của thế kỉ XVIII, thù trong giặc ngoài, giặc Thanh đang âm mưu thôn tính từ bên ngoài, bên trong nội chiến loạn lạc, rối ren. Để tránh thương vong, dân nghèo mất nguồn sinh sống đã di cư vào Nam ( Đàng Trong ). Trong dòng người di cư số đông thuộc tộc Nguyễn vốn thuần tín Phập pháp lâu đời. Đến vùng đất mới họ mong muốn có nơi thờ phụng ông bà tổ tiên, siêu đô các oan hồn tử sĩ nơi sa trường, cầu cho quốc thái dân an. Trong số đó có gia đình Nguyên Thiên, nổi tiếng giàu có, trước lập gia phong từ đường cho gia tộc họ Nguyễn tại làng Trung lý, nay thuộc xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn. Đời sau con ông là Nguyễn Kịch tiếp nối chí nguyện của cha mẹ, vừa chăm lo phát triển điền sản, vừa chú trọng tâm linh. Nhờ có Phật chủng và giáo hóa của chư tăng ông đã bén duyên Bồ Đề, tự mình hiến cúng ruộng vườn ( 5 thửa ) và kinh phí tạo lập một ngôi già lam giữa vùng nông quê. Đích thân ông cất công tìm kiếm và cung thỉnh Hòa thượng Từ Khánh – Thiền Diên, trụ trì Hoằng Nhơn ( Phù Cát, Bình Định ) chính thức cử hành lễ khai sơn chùa vào niên hiệu Quang Trung năm thứ 2 ( 1789 ), đặt tên là Chùa Thiên Bình.

Ban đầu chùa Thiên Bình chỉ là mái tranh vách đất, ngay cả tượng thờ cúng cũng chưa hoàn bị.

Ngày nay Thiên Bình mang vẻ đẹp uy nghi, trầm tĩnh, cổ kính mà vẫn tân tiến, điều này cho thầy ngôi chùa được trùng tu nhiều lần nhờ công lao của các thế hệ trụ trì.

Vẻ đẹp trầm mặc thanh nhã của Tổ Đình Thiên Bình

9 thế hệ trụ trì Thiên Bình từ ngày khai sơn đến nay

Không tính tổ khai sơn Từ Khánh – Thiền Diên, vì sau khi khai sơn ngài đã cắt cử đệ tử trụ trì Thiên Bình

  1. Thiền sư Gia Nghị làm trụ trì đầu tiên của Chùa Thiên Bình. Thiền sư Gia Nghị là người có công đầu tiên kết nối Tổ đình Thiên Bình với triều đình nhà Nguyễn nhờ có công nuôi dạy Nguyễn Hiệp trưởng thành làm quan đến Ngũ phẩm , hộ quốc suốt triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ngài được coi là quân sư của Nguyễn Hiệp
  2. Hòa thượng Đạt Huệ ( 1766 – 1861 ): Ngài từ Thập Tháp về trụ trì Thiên Bình
  3. Ngài Ấn Cơ ( 1827 – 1891 ): Cao Tăng từ chùa Thanh Long về trụ trì Thiên Bình từ 1861 – 1891 ): Thời gian này tổ đình chuyển mình phát triển rực rỡ, mở rộng Tăng phòng, điện Phật, tổ đường, phát triển kinh tế tự cung tự cấp, phát triển Tăng chúng cho chùa, phát triển bổn đạo.
  4. Thiền sư Chơn Dụng – Quang Phước ( … – 1923 ) kế thừa Sư phụ Ấn Cơ sau khi ngài viên tịch, duy trì thiên môn đến khi ngài viên tịch.
  5. Như Từ _ Tâm Đạt: Đảm nhận trụ trì Thiên Bình năm 20 tuổi khi vừa lãnh thợ Cụ Túc giới. Ngài đã tạo dựng Thiên Bình trở thành một cơ sở hoằng pháp uy tín nổi bật nhất thời bấy giờ. @ lần trùng tu Chùa, 3 lần mở giới đàn, tiếp độ lưỡng bộ Tăng Ni đệ tử đông đảo, nghiêm khắc Thiền môn quy củ, mật hạnh tinh chuyên, gắn bó với bà con dân chúng thể hiện đạo pháp – dân tộc. Vì thế mà từ triều đình nhà Nguyễn và chính quyền nhà nước luôn hộ trì mạnh mẽ cho Tổ đình Thiên Bình
  6. Hòa Thượng Thích Liễu Không ( 1931-1999 ) tiếp tụ sự nghiệp trụ trì Thiên Bình vào năm 1967: Tham gia tích cực giáo hội và tổ chức cứu quốc. Chùa Thiên Bình đóng vai trò ngôi nhà Cách Mạng của quân đội liên khu V trong kháng chiến chống Mỹ. Thời Ngài Liễu Không Thiên Bình bị Mỹ đánh bom sập hoàn toàn và ngài đứng ra xây lại. Thiên Bình tiếp tục là nơi nướng nấu của quân nhân yêu nước và Tăng Ni tu tập. Không chỉ tham gia nhiều hoạt động của Giáo hội Phật giáo Bình Định ngài còn đứng ra tổ chức đại giới đàn năm 1985
  7. Ngài Đồng Tâm _ Phước Minh trụ trì Thiên Bình
  8. Hòa Thượng Thích Phước Minh: Trụ Trì Thiên Bình
  9. Thượng Tọa Thích Đồng Ngộ: 13/7/2024 ( Nhằm ngày 15/6/ 2022 Nhâm Dần ) tấn phong trụ trì Thiên Bình kế nghiệp sư phụ Hòa Thường Thích Phước Minh tuổi cao sức yếu, và khởi công xây dựng Đại Điện mới

Tổ Đình thiên Bình không chỉ là nơi chăm lo Phật sự, mà còn là một nơi du khách tìnó chung m về tham quan, chiêm bái lễ Phật, là một chứng nhân của lịch sử Bình Định và lịch sử của Phật giáo Bình Định nói riêng.

Tổ đình Thiên Bình Đình Định
Tổ đình Thiên Bình Đình Định, sắc tứ

Nguồn: ĐĐ. TS Thích Đồng Lực – Trụ trì chùa Giác Phong


8. CHÙA THIÊN HƯNG – AN NHƠN, BÌNH ĐỊNH

Chùa Thiên Hưng, tọa lạc tại phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, là một trong những ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng bậc nhất miền Trung Việt Nam. Nơi đây không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp kiến trúc độc đáo mà còn bởi giá trị tâm linh sâu sắc, mang đến cho người viếng thăm cảm giác thanh tịnh và an lạc.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là chua-thien-hung3-1024x682.jpg

Kiến trúc độc đáo của Chùa Thiên Hưng

Chùa Thiên Hưng được biết đến với kiến trúc hài hòa giữa phong cách Á Đông truyền thống và hiện đại. Tổng thể kiến trúc của chùa mang đến cho du khách cảm giác thú vị như đang lạc vào một “cổ trấn” thu nhỏ, yên bình và thoát tục. Chính vì vẻ đẹp này, du khách thường ưu ái gọi chùa Thiên Hưng là “Phượng Hoàng Cổ Trấn của Việt Nam”.

Một trong những điểm nhấn nổi bật của chùa là Đại Bảo Tháp Thiên Ứng 12 tầng, là nơi lưu giữ xá lợi Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni và các vị cao tăng. Tháp được thiết kế tinh xảo với những đường nét chạm khắc tỉ mỉ, thể hiện sự uy nghi và linh thiêng. Ngoài ra, chùa còn có các công trình kiến trúc khác như Điện Tây Phương được xây dựng bằng gỗ theo kiểu nhà rường Huế, Tăng xá hai tầng là nơi ở của chư tăng, và La Hán Đài – nơi đón tiếp khách và tổ chức các hoạt động Phật sự.

Khuôn viên chùa được bao phủ bởi màu xanh mát của cây cối, hồ nước trong veo và những tiểu cảnh được bố trí hài hòa, tạo nên một không gian thanh tịnh và yên bình. Những con đường lát đá uốn lượn, những cây cầu nhỏ xinh xắn bắc qua hồ sen, tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, khiến du khách cảm nhận được sự an yên khi đặt chân đến.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là chua-thien-hung2-1024x682.jpg

Giá trị tâm linh sâu sắc

Chùa Thiên Hưng không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp mắt, mà còn là nơi tu tập và hành đạo của nhiều Phật tử. Không gian chùa thoáng đãng, yên tĩnh, mang đến cho du khách cảm giác thanh tịnh, an lạc.

Đặc biệt, chùa còn lưu giữ ngọc Xá Lợi Phật tổ quý giá, Người đời tin rằng nơi nào có Ngọc Xá Lợi Phật là nơi ấy có sự hiển diện của Phật Tổ để ban phước độ cho chúng sinh, là biểu tượng của sự bình an và may mắn. Nhiều Phật tử và du khách đến đây để chiêm bái và cầu nguyện, mong muốn nhận được sự gia hộ và phước lành.

Đặc biệt trụ trì Chùa thiên Hưng, Đại Đức Thích Đồng Ngô mặc dù còn trẻ nhưng được nhiều người kính nể do sự hiểu biết sâu sắc về phong thủy, tích cực tham gia công việc hoằng pháp và từ thiện. Các nguyên thủ Quốc gia cũng thường ghé chùa khi có dịp về thăm Bình Định.

Dưới sự dẫn dắt của Đại đức Thích Đồng Ngộ, chùa Thiên Hưng đã trở thành một điểm đến tâm linh quan trọng, thu hút nhiều Phật tử và du khách. Sư thầy nổi tiếng là người am hiểu về phong thủy, kiến thức sâu rộng và tích cực trong công việc hoằng pháp, góp phần nâng cao danh tiếng của ngôi chùa.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là chua-thien-hung1-1024x682.jpg

Chùa Thiên Hưng Bình Định là một điểm đến không thể bỏ qua cho những ai yêu thích khám phá kiến trúc cổ kính và tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn. Với vẻ đẹp kiến trúc độc đáo và giá trị tâm linh sâu sắc, chùa không chỉ là nơi tu tập của Phật tử mà còn là điểm tham quan hấp dẫn cho du khách gần xa.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là chua-thien-hung-1-1024x682.jpg

Chùa Giác Phong, Phù Cát, Bình Định

Mục lục bài viết

9. CHÙA GIÁC PHONG XƯA VÀ NAY

Chùa Giác Phong tọa lạc tại chân núi Mò O, bức bình phong của Thành Đồ Bàn – Kinh đô Vương quốc Champa xưa, cũng là gianh giới giữa thị xã An Nhơn và huyện Phù Cát.

Chùa Giác Phong thuộc thôn Chánh Lý, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Nơi này cảnh vật bình yên, năm giữa những cánh đồng lúa và cây cối, núi rừng xanh mướt, nơi hội tụ linh khí trời đất và là nơi yên nghỉ ngàn năm của tiền nhân và các tử sĩ…

Ngôi chùa cổ gồm ba gian nhà cấp bốn, qua thời gian hư hại đã đổ sập nặng sau một cơn lốc bão. Sau đó được cất tạm trước một khu nhà vừa là nơi thợ tự, Phật sự, và nơi ở của sư tăng.

 Hòa Thượng trụ trì sư ông Tâm Hương – Bửu Hoa đã viên tịch ngày 24 tháng 7 năm 2023. ( Nhằm ngày mùng 7 tháng 6 Quý Mão ), lúc 13:20 Ngài đã nhẹ nhàng từ biệt đệ tử, Tăng chúng, môn nhơn hiếu quyến, kết thúc 77 niên thế, 56 năm phụng sự Đạo pháp, lợi lạc cho chúng sinh.

Chùa giác phong xưa, nay đã đổ hoàn toàn chỉ còn lại duy nhất Tượng Phật Bà Quán Thế Âm
Chùa giác phong xưa

Chùa giác phong xưa đã hư hại, còn lại duy nhất Tượng Phật Bà Quán Thế Âm. Chánh điện chùa hiện đã có sãn thiết kế, chờ dịp xây cất.

Trụ trì kế vị Giác Phong Tự  Đại Đức Thích Đồng Lực, Ngài sinh năm 1983, học hành tinh tấn. Với quá trình tu học thành tựu, Ngài sẽ tiếp tục Hoằng dương Chánh pháp phục sự Phật pháp và chúng sinh.

Chùa Giác Phong đang trong quá trình tái thiết từng bước, trước bối cảnh hiện tại còn nhiều khó khăn Đại Đức Thích Đồng Lực dựng trước một khu để phụng sự Chánh pháp, và cũng là nơi ở của các Tăng, và tăng chúng khi có Phật sự. Chánh điện hiện chưa hoàn tất được, đang chờ trợ lực từ Quý Tăng sư, Phật tử hữu duyên.

Chùa Giác Phong

Chùa Giác Phong hiện tại, chưa có chánh điện. Chùa xây trước một khu để thờ phụng và lo Phật sự

SƠ LƯỢC VỀ ĐẠI ĐỨC THÍCH ĐỒNG LỰC – TRỤ TRÌ HIỆN TẠI

Tìm hiểu đôi nét về Đại Đức Thích Đồng Lực – Kế vị Hòa Thượng Tâm Hương – Bửu Hoa

Thế danh: Huỳnh Văn Anh Võ

Pháp danh: Thích Đồng Lực

Ngày sinh: 23/11/1983

Tiếng Anh/ Hán Cổ/ Cổ ngữ Sanskrit, Tibetan: Sử dụng tốt

Học vị cao nhất: Tiến sĩ ngành triết học duy thức, hệ chính quy, tại New Delhi, Ấn Độ ( 2014 – 2018 )

Phó Tiến sĩ, ngành triết học duy thức, hệ chính quy, tại New Delhi, Ấn Độ ( 2012 – 2013 )

Thạc sĩ, ngành Phật giáo Trung Quốc, tại New Delhi, Ấn Độ ( 2010 – 2012 )

Cử nhân, ngành triết học hệ chính quy, tại học viện Phật giáo Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh ( 2005 – 2009 )

Văn bằng cử nhân khác, ngành Luật Quốc tế, hệ chính quy, tại Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh ( 2005-2009 )

Đại Đức. Thích Đồng Lực - Trụ Trì chùa Giác Phong Phù Cát, Bình Định
Đại Đức Thích Đồng Lực – Trụ Trì chùa Giác Phong Phù Cát, Bình Định hiện nay

Chức vụ trong học viện

Trường trung cấp Phật học Bình Định: Giáo thọ

Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh: Giảng viên

Ban hoằng pháp Phật Giáo Bình Định: Giảng sư, ủy viên ( từ 2017 – nay )

Trung tâm biên phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế: Ban điều hành

Các bài báo khoa học đăng trên tạp chí ở nước ngoài

1. Bài nghiên cứu đăng ở Tạp chí nước ngoài:

1.1 Huynh Van Anh Vo, 2017, “Vasubandhu’s viewpoint on Pure land”,  Bodhi Path, Vol.12, tr.30-34

1.2 Huynh Van Anh Vo, 2017, “Building the world of Equality: Catholic Liberation Theology as a step to Buddhist Pure Land”,  The Apollonian, Vol.4

2. Bài nghiên cứu đăng trong Kỷ yếu/ Tuyển tập của các hội thảo học thuật:

 2.1 Thích Đồng Lực, 2018, Tổ Đình Thiên Bình và hành Trạng Thiền Ông Như Từ – Tâm Đạt, Hội thảo Khoa học Phật giáo và Văn học Bình Định – Thành tựu & Giá trị

2.2 Thích Đồng Lực2018, Nguyên nhân gây thiếu cân bằng nhân sự Hoằng pháp giữa Đồng bằng và Miền núi các tỉnh Trung Bộ, Hội Thảo Hoằng pháp 15 tỉnh thành Miền Trung – Cao Nguyên

2.3 Thích Đồng Lực2018, Thiền Trúc Lâm: Giá trị sáng tạo trong nghệ thuật tu tập v à Hoằng Pháp, Hội thảo khoa học Quốc tế: “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng văn hóa”

2.4 Thích Đồng Lực2019, Trang bị “Thanh Minh – Công Nghệ số” trong kết nối người đồng bào: một giải pháp đột phá

3. Sách đã xuất bản

Sách, giáo trình do bản thân làm (đồng) chủ biên/ tổng biên tập

3.1 Thích Đồng Lực – TN. Huệ Đắc – TN. Huệ Vân (dịch), Lịch sử truyền bá chính pháp và các bộ phái Phật giáo thời kỳ đầu, Hà Nội, Nxb Lao Động, 2020

3.2 Thích Đồng Lực – TN. Huệ Vân (dịch), Thi tán bậc Giác Ngộ, Hà Nội, Nxb Lao Động, 2020

Nguồn: Học viện Phật giáo Việt Nam TP. hồ Chí Minh

( Còn tiếp )

Nguyễn Thị Xuân Lan – CEO Golden Life Travel

Chia sẻ :

image image
Nguyễn Thị Xuân Lan

Hơn 16 năm liên tục, miệt mài, đầy đam mê quảng bá cho Du lịch Quy Nhơn – Bình Định. CEO Golden Life Travel, chị Nguyễn Thị Xuân Lan và đội nhóm chuyên gia trẻ của Golden Life luôn tích cực, không ngừng nghỉ quảng cáo cho điểm đến du lịch Quy Nhơn – Bình Định

Zalo Messenger Messenger