Tổ đình Thập Tháp được Tổ sư Siêu Bạch tức Tổ Nguyên Thiều khai sơn, các chư tăng theo dấu chân tổ sư cùng nhau trau dồi kinh sử, tu học, có công với đất nước từ thời các Chúa Nguyễn Xứ Đàng Trong. Nhiều vị danh tăng được triều đình mời vào cung dạy học, giảng Phật pháp, được xem như Quốc Sư.
Trên con đường tu học cũng như cuộc sống, có những oan khuất, trở thành tiếng rêu rao của người đời, thậm chí là lời chế giễu của lũ mục đồng, khi chăn trâu ngoài đồng, hoặc khi dắt trâu về , …
Chiều nay cũng vậy, khi về ngang chùa Thập Tháp, cả lũ trẻ trâu tự nhiên hè nhau gân cổ rống to bài vè chế diễu sư thầy, rồi ré lên cười ngu xuẩn và tinh nghịch, quất trâu bỏ chạy.
Thầy Liễu Triệt vẫn yên lặng ngồi bên bàn nước đặt trước hiên chùa, khói bốc lên từ chén trà vừa rót cứ dài mãi, nghi ngút trong bầu không se se lạnh, lãng đãng một chút rồi tan vào bóng chiều tà.
Thời gian trôi, …. Ánh mắt sư thầy hướng về phía tấm bình phong bằng đá đặt ở phía cổng chính.
Đằng sau tấm bình phong ấy là con đường đất loang lổ những vũng nước mưa, con đường vừa rộn lên những tiếng cười chế của lũ trẻ trâu. Những tiếng cười trong trẻo đến nhói lòng. Lâu thật lâu, sư thầy mới rời khỏi ghế, lững thững bước xuống sân.
Đã bốn tháng rồi, … Kể từ cái đêm hòa thượng Liễu Triệt bắt gặp một người con gái nằm khóc rấm rứt trước cổng chùa, trên người không một mảnh vải che thân. Cô gái không phải người ở làng.
Ngay ngày hôm sau, Thầy Liễu Triệt đã nhờ phật tử và tăng chúng đi dò hỏi khắp các làng lân cận, nhưng không làng nào có người mất tích. Có lẽ cô cũng không phải là người ở phủ này. Hỏi chuyện cô gái thì cô chỉ ú ớ lắc đầu và khóc, cô bị câm.
Thầy cho dựng một gian nhà tranh nằm biệt lập phía sau chùa để cô ở tạm. Mọi người trong chùa gọi cô gái là chị Câm.
Chuyện tưởng chỉ có vậy, nhưng miệng lưỡi thế gian độc địa mấy ai lường?
Hòa thượng Thật Kiến – Liễu Triệt xuất gia từ thuở niên thiếu. Sau một thời gian ngắn tu tập đã làu thông kinh điển, giới luật tinh nghiêm, tăng chúng trong chùa và phật tử gần xa đều kính ngưỡng. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát nghe danh, cho triệu thầy ra Phú Xuân nhậm chức trụ trì chùa Thiên Tự. Trong thời gian đó, thầy Liễu Triệt thường hay ra vào nội cung thuyết pháp. Tin đồn thêu dệt thầy đã có quan hệ tình cảm với một cung phi bị thất sủng. Năm hòa thượng Kỳ Phương viên tịch, thầy Liễu Triệt trở về chùa Thập Tháp tiếp quản chức trụ trì. Người phi đó ngày đêm nhung nhớ mà mắc bệnh. Rồi cuối cùng liều trốn khỏi chốn cung đình, theo tiếng gọi của tình yêu tìm về nơi quê mùa hẻo lánh này. Sau đó hai người dựng lên vở kịch như trên để che mắt thiên hạ và được hôm sớm gần bên nhau…
Đó là câu chuyện truyền khẩu của những người đa sự trong làng, nhằm lý giải lai lịch của chị Câm và hạ thấp thanh danh vị hòa thượng đang trụ trì Tổ đình Thập Tháp. Chuyện chưa rõ thực hư song đã tác động lên niềm tin của không ít Phật tử, dân chúng trong vùng, trước kia dù không thường xuyên đi lễ Phật nhưng đối với các sư tăng vẫn một mực tôn kính, bây giờ đều tỏ ra lạnh nhạt và có phần ác cảm. Một số phật tử không còn đến chùa tụng kinh, làm lễ nữa.
Suốt bốn tháng trời, lời ra tiếng vào trong làng chưa có dấu hiệu giảm bớt, thì gần đây bụng chị Câm cứ to dần. Chị đã có mang.
Hòa thượng Liễu Triệt là người xuất gia, an nhiên trước sự đời, những lời đàm tiếu vô căn cứ của thiên hạ làm sao có thể khiến thầy bận lòng.
Thế nhưng, …Tâm trẻ vốn thiện, sao các bậc cha chú lại nỡ lòng bày chúng những lời lẽ đó. Chẳng phải là vô tình tạo nghiệt cho con trẻ hay sao?
Màn đêm buông xuống trên vai thầy, chậm chậm, trầm trầm, thầy hít một hơi thật dài, tay chắp trước ngực, hai mắt từ từ nhắm lại. Tiếng thở ra thốt nhiên chỉ như cơn gió thoảng: A Di Đà Phật!