Tổ Sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch họ Tạ, quê quán huyện Tịnh Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc, thuộc triều đại Nhà Thanh. Ngài sinh vào giờ Tuất ngày 18 tháng 5 năm Mậu Tý 1948, mất năm 1728, thọ 81 niên.
Ngài xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Báo Tư, đầu sư với Hòa Thượng Bổn Khao – Khoáng Viên thuộc dòng thiền Lâm tế đời 32. Ngài được Hòa Thượng truyền cả hai Pháp danh Nguyên Thiều hiệu Thọ Tôn và Siêu Bạch hiệu Hoán Bích, Lâm Tế chánh Tông đời thứ 33.
Năm Đinh Tị năm 1677, nhằm thời Vua Lê Hy Tông niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ 3 ( 1675 – 1679 ), thời Chúa Hiền nguyễn Phúc Tần, Ngài theo thuyền buôn sang Việt Nam tại Cảng Thị Nước Mặn ở xứ đàng Trong đến phủ Quy Ninh, nay là tỉnh Bình Định, Ngài dừng chân tại Đồi Long Bích, trong khuôn viên Thành Đồ Bàn, thuộc Champa xưa. Nhận thấy nơi đây nhiều vượng khí, cảnh trí u tịch, thanh thoát nên Ngài lập Chùa đặt tên Chùa Thập Tháp ( Vì thấy có 10 ngôi tháp Chăm xung quanh Đồi Long Bích nên lấy tên Chùa Thập Tháp để làm cơ sở truyền bá Phật Pháp với chí nguyện độ sanh vô cùng mạnh mẽ.
Chùa Thập Tháp được xây dựng từ năm 1677 đến 1683, niên hiệu Chánh Hòa thứ 4. Sau khi hoàn thành Chùa Thập Tháp ngài trở ra Xuân Kinh theo lời mời của chúa Hiền để hoằng dương Phật Pháp tại vùng đất Thuận Hóa. Chùa Thập Tháp được Ngài Tánh Đề – Đạo Nguyên thừa dượng Phật sự, tiếp tục xây dựng và truyền dạy phật Pháp cho tăng chúng thay cho Tổ Sư.
Tổ Sư Nguyên Thiều đến cửa biển tư Dung, huyên Phú Lộc dựng chùa Hà Trung. Sau đó đến núi Phú Xuân khai sơn Chùa Quốc Ân, dựng tháp Phổ Đồng tại chân đồi Hòa Thiên phía trái núi Ngự Bình làm cơ sở truyền bá Phật pháp.
Năm 1688 Vâng mệnh Chúa Nghĩa Nguyễn Phước Trăn, tổ sư trở về Quảng Đông – Trung Quốc để thỉnh mời danh tăng cùng với kinh sách, tượng phật và pháp khí trở lại Việt nam, đi cung có Thiền Sư Minh Hoằng – Tử Dung, Hưng Liên – Quả Hoằng, Giác Phong, Từ Lâm, v.v …
Sau đó Tổ Sư đứng ra khai mở giới đàn đầu tiên để truyền giao pháp giới. Từ đó Dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông được truyền bá rộng rãi khắp Xứ Thuận Hóa. Và các đệ tử của Ngài chia nhau đến tận các miền đất phía Nam với sự nghiệp Hoằng dương chánh pháp.
Tổ sư Nguyên Thiều một đời cống hiến cho việc truyền bá chánh Pháp. Đến ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân 1728 Ngài lâm bệnh nhẹ, cho triệu tập Tăng chúng về chùa Quốc Ân dặn dò và di chúc mật ngữ. Trước giờ phút xả bỏ nhục thân , Ngài chấp bút viết kệ rằng:
“Tịch tịch cảnh vô ảnh
Minh minh châu Bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không”
Dịch là:
” Vắng lặng gương không bóng
Rực sáng ngọc nào dung
Rõ ràng vật chẳng vật
Rỗng rang không vật không”
Sau khi xong bài kệ, tổ sư an nhiên thi tịch, thọ 81 niên.
Đệ tự, tăng chúng, quan dân môn đồ lập Bảo Tháp Ngài tại ấp Thượng, làng Dương Xuân Thượng để thờ nhục thân Tổ sư.
Ngày mùng 8 tháng 4 niên hiệu Bảo Thái thứ 10 kỉ Dậu 1729 Chúa Nguyễn Phúc Trú ban cho Thụy Hiệu là ” Hạnh Đoan Thiền Sư ” và làm bài ký minh dựng tại Bảo Tháp Tổ sư như sau:
“Ưu ưu Bát Nhã
Đường Đường Phạm thất
Thủy nguyệt ưu du
Giới trì chiến lật
Trạm tịch cô kiên
Trác lập khả tất
Quán thân bốn không
Hoằng pháp lợi vật
Biến Phú tùy Vân
Phổ chiếu tuệ nhật
Chiêm chi chiêm chi
Thái sơn ngật ngật”
Nghĩa dịch là: Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch là vị thánh tăng, hiện thân trí tuệ trang nghiêm thanh tịnh. Sự xuất hiện của Ngài ưu du tự tại như vầng trăng nước, giới đức vững vàng chắc chắn. Bởi quán thân giả tạm vô thường nên thuyết pháp lợi chúng như mây lành che phủ, như mặt trời trí tuệ soi khắp nhân gian. Trông Người đồ sộ như núi Thái Sơn vươn cao chất ngất.
Long vị của Tổ sư Nguyên Thiều được thờ tại chính giữa Tổ đường Thập Tháp, trong Long vị ghi rằng: ” Từ Lâm Tế Chánh Tông Tam Thập Tam Thế, Quốc Ân đường thượng, Thượng thọ hạ tôn húy Nguyên Thiều Đại Lão Hòa Thiên Liên tọa “.
Tổ sư Nguyên Thiều được truyền thừa cả hai dòng kệ truyền pháp. Dòng thứ nhất của Thiền Sư Tổ Định – Thuyết Phong ( Tổ đạo giới Dịnh Tông … )
Dòng thứ hai của Thiền sư Đạo Mân Mộc Trần ( Đạo Bổn Nguyên Thành … ). Tại chùa Giác Lâm , quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, môn hạ của tổ sư cũng lập Long vị ghi rằng: ” Sắc Tứ Quốc Ân đường Thượng, Lâm Tế Chánh Tông Tam thập tam thế, thượng Hoán hạ Bích Húy Siêu Bạch lão tổ Hòa Thượng giác linh”.
Tổ Sư Nguyễn Thiều – Siêu Bạch có rất nhiều đệ tử xuất gia, hoặc được truyền thừa theo dòng kệ Tổ Định – Tuyết Phong hoặc được truyền thừa theo dòng kệ Đạo Mân Mộc Trần, chia nhau đi hoằng hóa nhiều nơi.
Tư liệu: Chùa Thập Tháp và Tổ Sư Nguyên Thiêu Siêu Bạch – Thích Viên Kiên biên soan – NXB Hồng Đức
Nguyễn Thị Xuân Lan – CEO Golden Life Travel
( Biên soạn lại )